THƯA NGÀI THÊÔPHILÔ…
Đây là lời chào đầu thư trong cuốn Tin Mừng Thứ Ba mà tác giá đã đề tặng cho bạn hữu của mình, và tác giả cuốn Tin Mừng này chính là Luca, vị Thánh mà Hội Thánh mừng kính hôm nay
Trong bài chia sẻ về Thánh Luca năm vừa rồi, Ban Truyền Thông đã giới thiệu đến các bạn những nét sơ lược nhất về thân thế và cuộc đời của Ngài trong suốt hành trình tại trần gian***. Và lần này, Ban Truyền Thông chúng mình mời các bạn cùng khám phá lại một số vẻ đẹp tiêu biểu trong cuốn Tin Mừng mà Ngài viết ra, là Tin Mừng chúng ta vẫn đang nghe trong các Thánh lễ Chúa Nhật trong năm Phụng Vụ C này, qua đó, chúng ta thêm yêu mến Lời Chúa, siêng năng đọc, học hỏi và sống Lời Chúa mỗi ngày, và đem tinh thần Phúc Âm đến với mọi người
Sau đây là một số nét tiêu biểu trong Tin Mừng của Thánh Luca:
1️⃣ HÌNH THÁI VĂN CHƯƠNG
Nếu như Mátthêu sử dụng các bài giảng, Máccô sử dụng các phép lạ, Gioan lại chọn những dấu lạ, thì riêng với Luca, hình thái văn chương trong Tin Mừng mà Ngài viết nên lại dùng chất liệu là những dụ ngôn. Các dụ ngôn thường là những câu chuyện đơn giản và dễ nhớ, có hình ảnh gần gũi với đời thường, để truyền tải một ý nghĩa nhất định.
Chúng ta đã quá quen thuộc một số hình ảnh quen thuộc qua các dụ ngôn của Chúa Giêsu như: men trong bột, viên ngọc trong ruộng, mẻ cá đầy lưới, hạt cải, cây vả, muối, đèn dầu,…qua đó Ngài dạy dỗ dân Do Thái và cho họ thấy tình yêu và lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho con người
2️⃣ CÁC DỤ NGÔN TIÊU BIỂU “ĐỘC QUYỀN LUCA”
Chính vì sử dụng các dụ ngôn như là nét tiêu biểu về hình thái văn chương, đọc Tin Mừng Luca, tất cả những câu chuyện chúng ta cảm nhận được sự gần gũi quen thuộc, đồng thời, vốn dĩ tác giả là một thầy lang, các dụ ngôn mang đậm màu sắc yêu thương, khắc hoạ dung mạo của Lòng Thương Xót mà chúng ta gần như không thể tìm thấy nơi các cuốn sách Tin Mừng còn lại, chẳng hạn như:
- Dụ ngôn hai người mắc nợ (Lc 7,41-43),
- Dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,30-37),
- Dụ ngôn cây vả không sinh trái (Lc 13,6-9)
- Dụ ngôn người quản lý bất lương (Lc 16,1-8)
- Dụ ngôn người phú hộ và anh Lazarô (Lc 16, 19-31),
- Câu chuyện người Pharisêu và người thu thuế (Lc 18,9-11).
Đặc biệt hơn, 3 dụ ngôn nói về Tình yêu và Lòng thương xót của Thiên Chúa mà chúng ta đã được nghe cách đây ít hôm trong Chúa Nhật 24 Thường Niên tại Chương 15:
- Dụ ngôn con chiên lạc
- Dụ ngôn đồng bạc bị mất
- Dụ ngôn người cha nhân hậu
Và các bạn cũng công nhận rằng những dụ ngôn này thật “xịn” và luôn mang lại một cảm giác được Thiên Chúa yêu thương và chờ đợi chúng ta đến với Ngài, nhỉ?
3️⃣ NHỮNG TRÌNH THUẬT & BÀI CA “ĐỘC QUYỀN LUCA”
Bên cạnh những dụ ngôn chỉ xuất hiện trong Tin Mừng của Thánh Luca, chúng ta còn có một số trình thuật cũng “độc quyền” được ghi lại trong cuốn Tin Mừng này, nhờ đó, chúng ta được biết nhiều hơn về Thiên Chúa, cũng như ý định và công trình cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho nhân loại, như:
- Trình thuật Truyền tin cho Dacaria (Lc 1,5-25) và bài ca Chúc tụng (Benedictus) của ông ngày khi Gioan chào đời (Lc 1, 67-79)
- Trình thuật Truyền tin cho Đức Maria (Lc 1,26-38) và bài ca Ngợi khen (Magnificat) của Mẹ ngày Mẹ đến thăm bà Êlisabét (Lc 1,46-56)
- Trình thuật Đức Maria và Thánh Giuse dâng Hài Nhi trong Đền Thờ và nhận lời tiên tri của Simêon và bà Anna (Lc 1,22-38) và bài ca An bình ra đi (Nunc dimittis) của ông Simêon khi ẵm trên tay Hài Nhi Giêsu (Lc 1,29-32)
- Trình thuật Chúa Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem năm 12 tuổi và ở lại đàm đạo với các thầy luật sĩ (Lc 1,41-50)
- Trình thuật Chúa Giêsu hiện ra và đồng hành với hai môn đệ trên đường về Emmau (Lc 24,13-35) với ý tưởng tóm gọn trong 3 từ “LÒNG BỪNG CHÁY” [thực ra trong Tin Mừng Máccô cũng ghi nhận về biến cố này, tuy nhiên chỉ ghi vắn tắt: “Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.” (Mc 16,12-13)]
4️⃣ SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ
Sách Công vụ Tông đồ được xem như phần thứ 2 của Tin Mừng Luca được nối khớp với phần 1 qua biến cố Chúa Giêsu về trời (Lc 24,50-52 và Cv 1:9-11)
Sác Công vụ Tông đồ ghi lại những bước đi đầu tiên của Hội Thánh Chúa Kitô sau khi Chúa Giêsu về trời. Đây là giai đoạn tiên khởi và quan trọng của Hội Thánh, qua các sự kiện tiêu biểu như:
- Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần
- Bài giảng của Thánh Phêrô và 3000 người trở lại
- Thánh Stêphanô tử vì đạo tiên khởi
- Đời sống gương mẫu của Hội Thánh sơ khai nơi các cộng đoàn tín hữu đầu tiên
- Sự trở lại của Phaolô và hành trình truyền giáo nơi dân ngoại
Nhìn chung, sách Công vụ Tông đồ tái hiện công cuộc truyền giáo của “Hai trụ cột Đồng-Đá” của Hội Thánh: Phêrô & Phaolô. Và “mắt xích” nối hai hành trình này đó chính là Công Đồng Giêrusalem được xem là Công Đồng đầu tiên của Hội Thánh (tính đến bây giờ chúng ta đã trải qua 21 Công Đồng chung và gần nhất chính là Công Đồng Vaticanô II từ 1962-1965) được ghi chép ở Chương 15 của sách với việc giải quyết vấn đề: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Môsê.” (Cv 15,5b)
Vậy là chúng ta đã tìm hiểu sơ nét một vài điều tiêu biểu và nổi bật trong Tin Mừng Luca. Ước mong sao mỗi người chúng ta luôn gắn bó mật thiết với Lời Chúa cùng Bí tích Thánh Thể, như Chúa Giêsu đã nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4), để qua đó, chúng ta kín múc được nhiều ơn lành của Thiên Chúa, và để Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn cuộc đời chúng ta
Bài viết & Thiết kế: Ban Truyền Thông Đoàn Têrêsa Hài Đồng Giêsu Tân Việt