Một trong những giá trị cơ bản, bản chất nhất để một người xứng đáng làm người, đó là: lòng biết ơn, sống có tình nghĩa.
Đức Cha Bùi Tuần đã có những nhận định và suy tư về lòng biết ơn như sau: “ Tôi thích chó vì chó rất biết ơn… chỉ cho nó một miếng xương, nó cũng tỏ ra biết ơn.
Nó nhìn triều mến, ngoe nguẩy đuôi, quấn quít người cho. Càng được cho, nó càng biết ơn, nó tự động bảo vệ chủ, nhà cửa và đồ đạc của chủ. Nhiều người không biết ơn bằng chó… đời là thế! Kẻ muốn được ơn thì quá nhiều, kẻ biết ơn thì quá ít.
Đếm người biết ơn dễ đếm hơn người vô ơn vì số này quá lớn. Có những con cháu vô ơn, có những học trò vô ơn, có đủ thứ vô ơn…” (nói với chính mình)
1. Biết ơn là gì?
- Lòng biết ơn là hiểu biết, là bày tỏ điều mình nhận biết về giá trị vật chất và tinh thần của những điều tốt, những tấm lòng, những món quà mà người khác đã trao tặng, đã giúp đỡ mình.
2. Bổn phận biết ơn.
- Làm ơn có thể không đòi trả nghĩa, những kẻ đã chịu ơn phải có bổn phận đền đáp. Cho đi không mong nhận lại, nhưng kẻ đã nhận phải có bổn phận phải đáp trả bằng sự biết ơn.
- Như vậy, có thể nói được: Kẻ chịu ơn phải có bổn phận biết ơn, và người làm ơn có quyền được biết ơn.
- Bổn phận biết ơn phải tương xứng với giá trị biết ơn đã nhận, nếu không thực hiện tương xứng, thì cũng phải tỏ ra bằng lời cám ơn hoặc bằng cử chỉ chứng tỏ mình hiểu biết ơn.
3. Giá trị của ơn nghĩa.
- Vật chất, tinh thần, thiêng liêng.
- Thí dụ: Có người tặng cho chiếc áo đẹp, giá 100,000 đồng
- Giá trị vật chất:
- Được tính bằng giá trị mua món quà.
- Giá trị tinh thần:
- là biểu lộ tình thương, mang ý nghĩa sự cho đi phần nào nơi người tặng( thời giờ, suy nghĩ, tình thương).
- Giá trị thiêng liêng:
- Quà tặng đó có thể tặng cho người khác nhưng đã có sự lựa chọn cho chính tôi, với ý hướng mong muốn cho tôi nên tốt, khích lệ tôi thăng tiến trong cuộc sống.
4. Lợi ích của biết ơn:
- Biết ơn để xứng đáng làm người hơn ( có giáo dục).
- Biết ơn để xứng đáng với ơn đã lãnh nhận.
- Biết ơn để xứng đáng để nhận thêm các ơn khác.
5. Luyện tập lòng biết ơn.
- Nên nhớ, ta sống trong tình liên đới: Đời tôi hiện nay là do biết bao nhiêu công ơn đã lãnh nhận và sẽ còn hưởng nhờ bao nhiêu ơn khác, do người khác nâng đỡ, yêu thương, cung cấp…
- Đừng tưởng mình không chịu ơn ai! Con người của ta, từ vật chất đến tinh thần, đã, đang và sẽ được xây dựng bằng biết bao công ơn của người khác.
- Đừng tưởng rằng mình không mắc nợ ai! Tiền của vật chất, có thể trả được, nhưng ân nghĩa, tình thương, những giọt mồ hôi, nước mắt những gì thiêng liêng cao quý, làm sao cho hết, trả cho đúng được?
- Hãy tập nói lời “cám ơn” mỗi khi được giúp đỡ và cố gắng bày tỏ lòng biết ơn qua thái độ tôn trọng, yêu mến, thảo hiếu với người đã nuôi dưỡng, dạy dỗ, giúp đỡ ta hãy biên thư, gởi thiệp, tặng quà, cám ơn đến những thân nhân và ân nhân gần xa.
- Hãy bày tỏ lòng tri ân đối với Thiên Chúa, ta sẽ dễ dàng biết ơn người khác, và nhờ sự biết ơn người khác, ta sẽ tăng lòng biết ơn Chúa. Hai tâm tình ấy sẽ làm cho cuộc sống hằng ngày của ta thêm phong phú, vui tươi và hạnh phúc hơn.