« Từ nay, hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc »
Trong tâm tình hân hoan đón nhận Ngôi Lời ngự trong cung lòng bởi phép Chúa Thánh Thần, Đức Maria đã vội vã ra đi, mang niềm vui Tin Mừng đến với người chị họ là bà Êlisabét, và khi vừa nghe lời chào của Đức Maria, Hài nhi trong lòng bà Êlisabét nhảy mừng, và bà được tràn đầy Thánh Thần. Khi đó, bà cất tiếng hoan ca:
« Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ. […] Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em. » (Lc 1, 42a.45)
Lời chúc phúc này được thốt ra sau lời chào của Sứ thần Gáprien trong ngày truyền tin cho Đức Maria:
« Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ. » (Lc 1, 28)
Và rồi, trong lời ca Khen Ngợi (Magnificat), chính Mẹ cũng đã thốt lên:
« Từ nay, hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc » (Lc 1, 48b)
Lời ca ấy mãi cho đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn lắng nghe, vẫn chúc tụng Thiên Chúa và vẫn hoan ca vì Đức Maria là Đấng đầy ơn phúc. Vì sao? Vì « Thiên Chúa ở cùng trinh nữ »
Và lời cầu chúc ấy, chúng ta vẫn được đón nhận trong Thánh lễ, khi Cha chủ tế chào cộng đoàn:
« Chúa ở cùng Anh Chị Em »
Tuy nhiên, điều làm chúng ta để ý, chính là lời chúc này mà Sứ thần khi xưa nói với Đức Maria và lời chúc mà Cha chủ tế chào cộng đoàn chúng ta có sự khác biệt gì không?
Câu trả lời là: vừa có vừa không!
Khác biệt chỗ nào? Thật khó để thấy sự khác biệt trong tiếng Việt, khi cả hai đều diễn tả bằng cụm từ “ở cùng”. Nhưng với tiếng Pháp, chúng ta sẽ thấy rõ rệt sự khác biệt trong cách dùng thức (mode) của động từ:
- Lời chào của Sứ thần: Le Seigneur est avec vous.
- Lời chào của Cha chủ tế: Le Seigneur soit avec vous.
Cùng là động từ “être” (là, thì, ở), tuy nhiên, trong lời chào của Sứ thần, être được chia ở Indicatif, là thức thể hiện tính khách quan của sự việc (mô tả thế giới khách quan so với chủ thể phát ngôn không lệ thuộc vào ý muốn chủ quan), trong khi đó, ở lời chào của Cha chủ tế, être lại được chia ở Subjonctif, là thức thể hiện lăng kính, cảm xúc chủ quan rất mạnh, và gần như nằm trong cái nhìn ở chủ thể phát ngôn.
Tuy nhiên, vẫn có chút tương đồng giữa hai lời chào mà chúng ta đang nhìn thấy, cụ thể là:
Khi Sứ thần chào Đức Maria và truyền tin về ý muốn của Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng Mẹ, Mẹ đã thưa xin vâng, để Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ nơi con người của Mẹ: cưu mang Ngôi Lời trong lòng mình. Và quả thật, Thiên Chúa ở cùng Mẹ.
Về phần chúng ta, chúng ta có biết bắt chước noi gương Mẹ, biết mở lòng mình nên máng cỏ cho Hài Nhi đến và ở lại với chúng ta hay không, điều đó tuỳ thuộc hoàn toàn vào ý muốn chủ quan của chúng ta.
Cha chủ tế với lời chào “Le Seigneur SOIT avec vous” như muốn thể hiện một ước muốn, khao khát rằng:
Je souhaite/Je désire/J’aimerais/Je voudrais que vous accueilliez le Seigneur et que le Seigneur reste en vous => (Que) Le Seigneur soit avec vous.
Đức Maria diễm phúc được đón lấy Ngôi Lời và cưu mang trong lòng, để có Chúa luôn ở cùng Mẹ. Noi gương Mẹ, chúng ta cũng hãy biết khiêm tốn mở lòng đón Thiên Chúa vào trong cõi lòng của mình, và để Ngài luôn ở cùng chúng ta, trong cuộc sống.
Xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại. Amen.
Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác về trời.
Nguồn bài viết: Trần Nhật Duy