Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời
Ga 3,16
Ngày 14 tháng 9 hằng năm, Giáo Hội mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá, bày tỏ lòng tôn kính, suy phục Thánh Giá, biểu tượng cho cuộc khổ nạn và hi sinh chính mạng sống mình của Chúa Giêsu. Ta cùng tìm hiểu chút thông tin bên lề về ngày lễ này qua các từ khóa dưới đây nhé.
#Thập_giá
Thập giá hay cây gỗ hình chữ thập là một trong những công cụ dùng trong các hình phạt tra tấn, xử tử của đế quốc La Mã. Vì thế, hình ảnh đó cũng được xem là biểu tượng của sự chết, của ô nhục lúc bấy giờ.
#Hêlêna
Thánh Giá Chúa Giêsu trải qua một thời gian dài bị thất lạc, chôn giấu. Mãi đến thời vua Constantino, mẹ vua là bà Hêlêna vì lòng sùng mến đạo đã cho tiến hành công cuộc tìm kiếm Thánh Giá Chúa Giêsu ở Giêrusalem. Thánh Giá Chúa được tìm thấy cùng cây thập giá của hai tên trộm. Tương truyền, để phân biệt đâu là cây Thánh Giá thật sự đã treo Chúa Giêsu, Thánh Giám Mục Marcarius lúc bấy giờ đã cho đem cả ba cây thập giá chạm đến một bệnh nhân đang cơn nguy tử. Hai cây thập giá đầu tiên đã chạm đến nhưng người bệnh không cảm thấy gì, chỉ đến khi được cây Thánh Giá thật chạm đến thì người bệnh được bình phục ngay. Sau đó, Giêrusalem mừng kính lễ tìm được Thánh Giá vào ngày 14 tháng 9.
#Áp_bức
Giai đoạn trước thời vua Constantino, đạo công giáo bị áp bức nghiêm trọng. Ngay từ thời Giáo Hội tiên khởi vào thế kỷ thứ nhất, vì biết lòng mến mộ Thánh Giá gia tăng lòng đạo đức, ảnh hưởng đến việc mở mang Kitô Giáo, các vua chúa quan quyền, từ các hoàng đế Roma đến quan chức tại Trung Đông, đã tìm đủ mọi cách quyết xóa bỏ niềm tin vào Thánh Giá. Thập giá được dùng để thử thách, cưỡng bách người có đạo bước qua hoặc chà đạp trước khi lãnh án “tử vì đạo”. Thời vua Adriano (117-138), các di tích liên quan đến Chúa Giêsu đều bị phá hủy. Thánh Giá Chúa bị chôn giấu để ngăn trở các nghi thức thờ phượng của Kitô hữu bấy giờ.
#Nhân_danh_Cha_và_Con_và_Thánh_Thần
Câu kinh này quá đỗi quen thuộc với mỗi Kitô hữu khi làm dấu Thánh Giá. Làm dấu Thánh Giá không chỉ để tuyên xưng đức tin mà còn là cách nhắc nhớ và tôn vinh mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm trung tâm Kitô giáo. Bạn có thể xem lại bài viết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi ở đây nhé
#Heraclius
Thế kỉ thứ 6, quân Ba Tư đánh chiếm Giêrusalem, cướp luôn cây Thánh Giá Chúa. May thay, quân đội do Heraclius chỉ đạo đã kịp đuổi theo và lấy lại được Thánh Giá. Năm 629, Thánh Giá được kiệu về Constantino, rồi từ đó rước khải hoàn về Giêrusalem. Vua Heraclius muốn vác Thập Giá vào đền thờ để tạ ơn Chúa, nhưng khi vác Thánh Giá lên vai, ông thấy quá nặng. Bấy giờ, Đức Zacharias, Giáo Chủ Giêrusalem, liền nói với vua: “Xin hoàng đế thận trọng vì với mũ miện và y phục vương quyền mà ngài đang mặc, ngài không hợp để vác Thập Giá giống như thân phận khó nghèo, khiêm tốn của Chúa Giêsu Kitô.” Nhà vua nghe theo lời Đức Giáo Chủ, bỏ hết mũ miện, vương phục. Tức thì gỗ Thập Giá trở nên nhẹ nhàng. Chứng tích cùng nhiều phép lạ khác xảy ra vào ngày hôm đó đã thôi thúc Giêrusalem quyết định thiết lập lễ Suy Tôn Thánh Giá, và sau đó được phổ biến rộng khắp Giáo Hội Hoàn Vũ.
#Gỗ_Thánh_Giá
Vì gỗ Thánh Giá thực rất quý, nên kể từ khi tìm ra được Thánh Giá thật được phân ra nhiều phần rất nhỏ, chia cho các Giáo Hội tại mỗi nơi. Thành Constantinopoli được phần Gỗ Thánh lớn hơn và phần còn lại được lưu niệm tại Giêrusalem.
#INRI
Chữ INRI trên bảng tên đóng cùng các tượng thánh giá hiện nay được viết tắt từ bản văn Latinh “Ieus Nazarenus Rex Iudaeorum”, nghĩa là “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do Thái.” Đây cũng chính là dòng chữ quan Philatô đã ra lệnh viết và đóng vào thập giá treo Chúa GIêsu.
#Ái_tuất
“Đâу lòng Ϲhúa ái tuất không bến bờ, thương loài nhân thế đang vướng tội nhơ. Đem trót máu thịt nuôi dưỡng xác hồn. Ɲgàу đêm ban xuống cho muôn ngàn ơn.” Lời bài hát vang lên trong những giờ Chầu Thánh Thể nhắc nhớ ta về tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu, chấp nhận chịu chết trên thập giá để cứu rỗi nhân loại. Ngước nhìn lên Thánh Giá hôm nay, ta ăn năn thống hối tội lỗi chính mình và tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu lân tuất của Chúa. Cùng với đó, ta chấp nhận vác thập giá của bản thân mỗi ngày trên con đường lữ hành nơi trần gian với Chúa là cùng đích và cũng là bạn đồng hành.
Nguồn: http://www.donggioanthienchua.net/suy-ton-thanh-gia-nguon…
https://www.tonggiaophanhanoi.org/ngay-149-suy-ton-thanh…/