Bạn có nhớ, ngay sau khi linh mục chủ tế đọc những lời này: “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng”, thì lời Kinh Lạy Cha được vang lên bên trong một khung cảnh thiêng liêng và sốt sắng.
Lúc này đây, Linh mục chủ tế nâng cao dang rộng cánh tay mình lên, thì cùng lúc đó, tất cả cộng đoàn tín hữu người tham dự Thánh lễ đồng loạt đứng lên, tư thế nghiêm chỉnh, tất cả cùng lấy một hơi thật sâu, giọng vững vàng ca vang lời Kinh Lạy Cha, và có lẽ lời kinh này sẽ còn vang vọng hơn đặc biệt vào những dịp lễ trọng.
Từng lời kinh trang trọng được cấu thành từ 3 lời chúc tụng Thiên Chúa, và 4 lời nguyện xin cho nhu cầu của chúng ta. Đây là lời cầu nguyện mẫu trong kinh nguyện Kitô giáo và cũng là lời kinh tuyệt hảo nhất
Lời chúc tụng để “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” là trọng điểm. Khi ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời, thì khi đó, nước Cha trị đến; khi nước Cha trị đến, thì khi đó, danh Cha cả sáng; khi danh Cha cả sáng, thì khi đó, chúng ta, những người con cùng 1 Cha trên trời, thân thưa trong tâm tình con thơ: “Abba” – “Cha ơi”.
1. Lời cầu xin “nguyện Danh Cha cả sáng” nghĩa là gì?
Khi cầu xin “Danh Cha cả sáng”, chúng ta bước vào kế hoạch của Thiên Chúa. Danh Ngài – được mạc khải cho ông Môse, rồi trong Chúa Giêsu – được thánh hoá qua chúng ta và trong chúng ta, cũng như nơi mọi dân tộc và nơi từng con người.
2. Hội Thánh xin gì khi cầu nguyện “Nước Cha trị đến”?
Hội Thánh xin cho Nước Thiên Chúa trị đến một cách dứt khoát qua việc Ðức Kitô trở lại trong vinh quang. Nhưng Hội Thánh cũng cầu xin cho vương quyền của Thiên Chúa ngày càng lớn lên trong hiện tại qua việc thánh hóa con người trong Chúa Thánh Thần, và nhờ sự cố gắng của họ trong việc phục vụ công lý và hòa bình theo các mối phúc. Lời cầu xin này là tiếng kêu xin Chúa Thánh Thần và của Hiền Thê: “Lạy Chúa Giêsu! xin hãy đến” (Kh 22,20).
3. Tại sao chúng ta cầu xin: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”?
Ý muốn của Cha chúng ta là “tất cả mọi người được cứu độ” (1 Tm 2,3). Vì thế, Chúa Giêsu đã đến để chu toàn ý định cứu độ của Cha. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa kết hợp ý muốn của chúng ta vào ý muốn Con của Ngài, theo gương của Ðức Trinh Nữ Maria và của các thánh. Chúng ta cầu xin cho ý định của Ngài được thực hiện trọn vẹn dưới đất như đã được thực hiện trọn vẹn trên trời. Chính nhờ lời cầu nguyện này mà chúng ta có thể “nhận ra ý muốn của Thiên Chúa” (Rm 12,2) và “kiên trì thi hành thánh ý” (Dt 10,36).
4 ý nguyện sau chia sẻ thêm về mối tương quan giữa chúng ta với nhau, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta sống chia sẻ: lương thực, lỗi lầm được tha thứ, ơn sức mạnh để vượt mưu chước cám dỗ và giải thoát khỏi sự dữ.
4. Lời cầu “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” có nghĩa gì?
Khi đọc “xin Cha cho chúng con”, trong sự hiệp thông với anh em, chúng ta nói lên lòng tín thác của người con thảo đối với Cha chúng ta trên trời. Từ “lương thực” chỉ thực phẩm vật chất cần thiết để nuôi sống thân xác; nhưng cũng còn có nghĩa là Bánh sự sống, đó là Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Bánh này được lãnh nhận trong “ngày hôm nay” của Thiên Chúa như của nuôi dưỡng hết sức cần thiết và cốt yếu của Bàn Tiệc Nước Trời mà bí tích Thánh Thể là một sự tham dự trước.
5. Vì sao chúng ta nói “xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”?
Khi xin Thiên Chúa là Cha tha thứ cho chúng ta, chúng ta nhận biết mình là kẻ tội lỗi trước mặt Ngài. Nhưng đồng thời chúng ta cũng tuyên xưng lòng thương xót của Ngài, vì trong Chúa Con và qua các Bí tích, “chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1, 14). Tuy nhiên, lời cầu xin của chúng ta chỉ có thể được nhậm lời, với điều kiện là, về phần chúng ta, chúng ta phải tha thứ trước.
6. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” nghĩa là gì?
Nghĩa là chúng ta cầu xin Thiên Chúa đừng để chúng ta đi theo con đường dẫn đến tội lỗi. Lời cầu xin này van xin Thần Khí ban ơn phân định và sức mạnh; cũng cầu xin ơn tỉnh thức và bền đỗ đến cùng.
7. Chúng ta lại kết thúc bằng lời cầu xin “nhưng cứu chúng con cho khỏi Sự Dữ”?
Sự Dữ muốn ám chỉ một nhân vật là Satan, kẻ đối nghịch với Thiên Chúa, “kẻ chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại” (Kh 12,9). Ðức Kitô đã chiến thắng ma quỷ. Chúng ta cầu xin cho cả nhân loại được giải thoát khỏi Satan và mọi việc làm của nó. Chúng ta cũng cầu xin hồng ân quí giá là sự bình an và ân sủng để kiên trì chờ đợi Ðức Kitô lại đến, Ðấng giải thoát chúng ta khỏi sự Dữ cách dứt khoát.
8. Và cuối cùng, từ “Amen” nghĩa là gì?
Sau khi đọc kinh xong, bạn thưa “Amen”, nghĩa là “mong cho được như vậy”. Với từ cuối cùng này, như lời của thánh Cyrillo Giêrusalem, bạn đã đóng ấn mọi điều chứa đựng trong lời kinh này mà Thiên Chúa đã truyền dạy.
Với tất cả tâm tình của một người con yêu mến, chúng ta đọc lời kinh này vừa để tôn vinh mầu nhiệm Thiên Chúa, vừa là lời cầu xin thiết yếu nhất cho nhu cầu con người.
Ước mong cho mỗi lời Kinh Lạy Cha sẽ luôn thấm nhuần trong tâm trí chúng ta, và sẽ dùng lời kinh này như động lực thúc đẩy niềm tin, tăng cường sức mạnh, cũng như an ủi những tâm hồn yếu ớt.
Hy vọng những nỗi nhớ trong thánh lễ sẽ được bù đắp bằng hiện thực.