CHUẨN BỊ
Khi mọi người đã quy tụ trong nhà thờ hay một nơi xứng đáng, trước khi thừa tác viên đặt Mình Thánh Chúa lên bàn thờ để chầu, mọi người có thể đọc một số kinh chuẩn bị và với tư thế quỳ : làm dấu thánh giá – kinh xin ơn Chúa Thánh Thần – ba kinh tin cậy mến – kinh sám hối hoặc thêm các kinh khác tùy hoàn cảnh. (Khi đã đọc các kinh xong, thừa tác viên tiến ra bàn thờ đặt Thánh Thể).
CƠ CẤU CỦA MỘT GIỜ CHẦU THÁNH THỂ
Một giờ chầu Thánh Thể gồm ba phần : phần mở đầu là đặt Thánh Thể – phần chính yếu là tôn thờ Thánh Thể – phần kết thúc là phép lành Thánh Thể
I. Đặt Thánh Thể
Dù thừa tác viên là ai : người có chức thánh (linh mục hay phó tế) hay người không có chức thánh (tu sĩ nam nữ hay giáo dân được ủy nhiệm) thì đều được có thể chọn một trong ba hình thức đặt Thánh Thể sau đây :
- Hình thức 1 : Mở cửa nhà tạm, và để cửa nhà tạm mở trong suốt thời gian chầu Thánh Thể.
- Hình thức 2 : Lấy một bình đựng Mình Thánh cho giáo dân rước lễ trong nhà tạm, nếu bình chưa được phủ khăn thì phủ khăn lên bình, rồi đặt bình này lên bàn thờ để chầu Thánh Thể.
- Hình thức 3 : Lấy Mình Thánh Chúa để vào hào quang rồi đặt hào quang lên bàn thờ rồi chầu Thánh Thể.
Mọi người quỳ trong thinh lặng đang khi thừa tác viên tiến ra bàn thờ. Thừa tác viên mở cửa nhà tạm, cúi mình sâu thờ lạy Thánh Thể, mọi người cùng cúi đầu sâu thờ lạy Thánh Thể với thừa tác viên. Thừa tác viên chọn một trong ba hình thức trên đây để đặt Thánh Thể.
Mọi người vẫn quỳ giữ thinh lặng đang lúc thừa tác viên mở cửa nhà tạm hay đặt Thánh Thể lên bàn thờ – có thể đệm đàn nhẹ trong lúc này.
Khi thừa tác viên xuống quỳ trước bàn thờ thì bắt đầu hát bài ca tôn thờ Thánh Thể. Đang lúc hát, nếu đặt bằng hào quang thì phải xông hương, còn đặt bằng bình đựng hay chỉ mở cửa nhà tạm thì có thể xông hương tùy nghi.
II. Tôn thờ Thánh Thể
Hát bài ca tôn thờ Thánh Thể xong, thừa tác viên có thể cầu nguyện đôi chút trước Thánh Thể, rồi trở về phòng thánh, hay đến ghế chủ sự cùng tôn thờ Thánh Thể với cộng đoàn.
Khi tôn thờ Thánh Thể có thể chọn 01 trong 04 thể loại sau đây, hoặc kết hợp các thể loại này với nhau, tùy theo thời gian chầu Thánh Thể mà ta ước muốn. Bốn thể loại đó gồm :
- Thể loại 1: Phụng vụ Lời Chúa gồm 4 yếu tố:
- Chọn một đoạn lời Chúa (có thể lấy từ cựu ước hay tân ước, kể cả tin mừng, nhưng mùa phục sinh không lấy trong cựu ước mà chọn chủ yếu sách công vụ tông đồ và sách khải huyền, vì truyền thống phụng vụ công giáo không đọc cựu ước trong mùa phục sinh). Đoạn lời Chúa này có thể chọn theo chủ đề hoặc theo ngày phụng vụ hoặc theo ý cộng đoàn.
- Đọc một bài suy niệm về đoạn sách thánh vừa nghe. Bài suy niệm này mang tính cách cầu nguyện hơn là một bài suy tư thần học hay bài tư liệu lịch sử. Bài suy niệm cần ngắn gọn, không trừu tượng, không dùng các thuật ngữ triết học hay thần học quá chuyên môn. Bài suy niệm càng dùng từ đơn sơ, dễ hiểu, dễ cảm nghiệm bao nhiêu thì càng giúp người nghe đi vào tâm tình cầu nguyện.
- Sau khi nghe suy niệm xong, cần giây phút thinh lặng thánh để nội tâm hóa lời Chúa và để cầu nguyện thân tình với Chúa.
- Sau phút thinh lặng, nên chọn một bài thánh ca phù hợp với nội dung lời Chúa và bài suy niệm vừa nghe. Bài thánh ca này diễn tả tâm tình đáp lại lời Chúa vừa nghe và biểu lộ lời tạ ơn Chúa vì muôn ơn lành Chúa thực hiện nơi chúng ta.
- Thể loại 2 : Đọc giờ kinh phụng vụ phù hợp với thời gian đang chầu Thánh Thể.
- Ví dụ : chầu buổi sáng thì đọc kinh sáng, chầu buổi chiều thì đọc kinh chiều, chầu buổi tối thì đọc kinh tối. Khi bắt đầu đọc giờ kinh phụng vụ thì không làm dấu thánh giá và đọc thánh thi của giờ kinh, vì đây là phần mở đầu giờ kinh, phần này được thay thế bằng phần mở đầu giờ chầu qua việc đặt Thánh Thể rồi. Chỉ đọc từ ca vịnh đến hết lời nguyện của giờ kinh. Khi đọc xong lời nguyện của giờ kinh thì bỏ luôn phần chúc lành và giải tán, vì đã được thay thế bằng phần kết thúc giờ chầu là cất hoặc phép lành Thánh Thể.
- Thể loại 3 : đọc các kinh về Thánh Thể hoặc các kinh về Thánh Tâm Chúa Giêsu
- Xem thêm trong link: https://tntanviet.com/cac-kinh-doc-truoc-thanh-the/
- Thể loại 4 : lần chuỗi mân côi hoặc chuỗi lòng Chúa thương xót.
- Tự bản chất chuỗi mân côi suy niệm về các mầu nhiệm Chúa Giêsu. Tuy nhiên khi suy niệm từng mầu nhiệm mân côi cần hướng về Chúa Giêsu là trung tâm, Mẹ Maria đóng vai trò dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, Mẹ được gọi là Người Nữ Thánh Thể. Cần tránh cầu nguyện với Đức Mẹ như là đối tượng chính trước Mình Thánh Chúa.
III. Cất hoặc ban phép lành Thánh Thể
Sau khi đã tôn thờ Thánh Thể xong, đến phần kết thúc giờ chầu, thừa tác viên tiến ra quỳ trước bàn thờ.
Lúc này cộng đoàn có thể hát và cầu nguyện cho Đức giáo hoàng (nhưng không bắt buộc),
Kế đó hát tantum ergo sacramentum (Đây nhiệm tích vô cùng cao quý) – đang lúc đó thừa tác viên xông hương Thánh Thể nếu trước đó đã xông hương khi đặt Thánh Thể. Hát tantum xong, thừa tác viên đứng (không quỳ) đọc lời nguyện Thánh Thể.
Đọc lời nguyện Thánh Thể xong, nếu trước đó mở cửa nhà tạm, bây giờ lên đóng lại. Nếu đặt bằng bình đựng hay hào quang thì người không có chức thánh (tu sĩ hay giáo dân) không được banphép lành chỉ lên cất Mình Thánh Chúa vào nhà tạm mà thôi, còn thừa tác viên là người có chức thánh (linh mục và phó tế), thì mang thêm khăn vai, ban phép lành Thánh Thể cho mọi người, sau đó cất Mình Thánh Chúa. Giờ chầu Thánh Thể kết thúc.
Khi đã cất Mình Thánh Chúa vào nhà tạm rồi, có thể đọc các kinh tôn kính Đức Mẹ, các thánh, cầu hồn tùy nghi, hoặc hát bài kết thúc về Đức Mẹ hoặc các thánh hoặc bài theo mùa phụng vụ.
Nguồn: Lm Vincentê Nguyễn Thế Thủ