Theo Sách “Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ” do Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích công bố năm 1973, thì mục đích việc chầu Thánh Thể là tôn thờ Chúa Kitô hiện diện đích thật trong bí tích Thánh Thể, từ đó người tín hữu sống kết hiệp với Chúa để mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Chúa, đồng thời múc lấy sự sống nơi Thánh Thể để hoàn tất ơn gọi kitô hữu, và can đảm dấn thân làm chứng cho Chúa trong thế giới hôm nay.
Các quy định phụng vụ về việc tôn thờ Thánh Thể được xác định như sau :
- Sự hiện diện của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể liên kết chặt chẽ với cử hành thánh lễ, vì vậy khi không có lý do chính đáng, cần tránh chầu Mình Thánh Chúa cách công khai trước khi cử hành Thánh lễ. Thực vậy việc Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể là kết quả của cử hành Thánh lễ, do đó người ta sẽ đánh mất ý nghĩa khi lấy Mình Thánh Chúa của Thánh lễ trước để chầu, rồi sau khi chầu lại cử hành một Thánh lễ khác trong đó truyền phép Bánh mới rồi đem cất đi !
- Không được phép cử hành Thánh lễ trong cùng một gian nhà thờ đang đặt Mình Thánh Chúa để chầu, muốn cử hành Thánh lễ phải tạm ngưng chầu Thánh Thể rồi sau Thánh lễ sẽ tiếp tục lại.
- Thừa tác viên đặt và ban phép lành Thánh Thể là linh mục hay phó tế. Tuy nhiên khi không có những người này, thày tác vụ giúp lễ hoặc thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa nào khác cũng được phép đặt và cất Mình Thánh Chúa, nhưng không được ban phép lành, và phải tuân theo chỉ thị của Giám mục Giáo phận. Thừa tác viên cúi mình sâu bái thờ Thánh Thể : mỗi khi mở cửa Nhà Tạm để lấy Mình Thánh Chúa ra ngoài, hoặc trước khi khoá cửa Nhà Tạm cất Mình Thánh Chúa.
- Khi chầu Thánh Thể có thể đặt Bình Thánh hay Hào quang để tôn thờ Chúa Giêsu Thánh thể. Nếu đặt Hào quang sẽ phải xông hương ; và khi ban phép lành vào lúc kết thúc giờ chầu, linh mục hay phó tế ngoài áo alba và dây stola, mặc thêm áo choàng và khăn vai để ban phép lành Mình Thánh Chúa cho dân chúng. Còn nếu đặt Bình thánh thì tuỳ nghi có thể xông hương, nhưng chủ sự không mặc áo choàng mà chỉ mang khăn vai để ban phép lành Mình Thánh Chúa.
- Các nhà thờ và nhà nguyện có lưu giữ Mình Thánh Chúa, nên tổ chức hằng năm một thời gian dài để chầu Thánh Thể gọi là chầu thay phiên hay chầu lượt. Ngoài ra cũng nên thường xuyên chầu Thánh Thể vào những lúc thích hợp, với thời gian ngắn hơn như 15 phút, 30 phút, 1 giờ ….
- Không được phép đặt Mình Thánh chỉ nhằm mục đích ban phép lành mà thôi.
- Đang khi đặt Mình Thánh Chúa, chỉ quy hướng về Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể để tôn thờ Người, vì thế không được biến giờ chầu Thánh Thể thành việc đạo đức pha tạp, như tôn kính Đức Maria hay các thánh.
- Trước Mình Thánh Chúa nên đọc Lời Chúa, diễn giảng hay suy niệm về Thánh thể, đọc các lời nguyện, lời kinh và thánh ca thích hợp về Thánh Thể, dành những giây phút thinh lặng, và đặc biệt đọc một giờ kinh phụng vụ nào đó.
- Hội Thánh khích lệ việc kiệu Thánh Thể để biểu lộ đức tin công khai vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể, đồng thời để tỏ lòng tôn thờ và kính mến Người.
- Trong số các cuộc kiệu Thánh Thể, thì cuộc kiệu vào lễ Mình Máu Chúa Kitô đóng vai trò quan trọng và mang ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống mục vụ của giáo xứ và các cộng đoàn. Các nơi nên duy trì cuộc kiệu này, trừ khi gặp lý do không thể thực hiện.
- Nên kiệu Thánh Thể sau khi cử hành Thánh lễ với Mình Thánh Chúa vừa được truyền phép, nhưng cũng không có gì cản trở kiệu Thánh Thể sau khi đã chầu Mình Thánh một thời gian dài.
- Kiệu Thánh Thể nên được tổ chức theo phong tục địa phương, với việc trang trí các con đường mà Mình Thánh Chúa sẽ đi qua, cùng các bài thánh ca và lời cầu nguyện đi kèm. Nên làm các chặng (stations) trên lộ trình cuộc kiệu để đặt Mình Thánh Chúa và thờ lạy, rồi ban phép lành Thánh Thể cho dân chúng.
- Nếu sau Thánh lễ mà linh mục sẽ kiệu Mình Thánh Chúa, thì ngài có thể mặc phẩm phục như khi dâng thánh lễ thêm khăn vai, hoặc mặc áo choàng với khăn vai. Nhưng nếu cuộc kiệu không diễn ra sau Thánh lễ, ngài sẽ mang áo choàng với khăn vai.
- Kết thúc cuộc kiệu Thánh Thể linh mục sẽ ban phép lành Mình Thánh Chúa cho mọi người.
Nguồn: Lm Vincentê Nguyễn Thế Thủ