Đền thờ thánh Phêrô và đền thờ thánh Phaolô là hai trong số bốn đại vương cung thánh đường của giáo phận Roma, mang ý nghĩa lịch sử to lớn cùng nét kiến trúc độc đáo, đầy tính biểu tượng.
Lịch sử hình thành: Vương cung thánh đường thánh Phêrô được khởi công xây dựng từ thế kỉ IV, đánh dấu sự chấm dứt cho thời kì bách hại người công giáo ở Roma. Tuy nhiên nhiều thế kỉ sau đó, nhà thờ xuống cấp nghiêm trọng, cho đến năm 1506, Đức Giáo Hoàng Julius II đành phải phá hủy hoàn toàn để xây dựng ngôi đền thờ mới như đang thấy ngày nay. Trong khi ấy, vương cung thánh đường thánh Phaolô cũng trải qua một lần tái thiết sau một trận hỏa hoạn lớn và được cung hiến lại ngày 10 tháng 12 năm 1854. Tuy nhiên, vì việc mừng kính thánh Phaolô trong phụng vụ không thể tách rời việc mừng lễ thánh Phêrô, nên lễ kỷ niệm cung hiến thánh đường này (ngày 10 tháng 12) cũng được gộp chung vào ngày kỷ niệm cung hiến thánh đường thánh Phêrô (18 tháng 11).
Đặc điểm nổi bật: cả hai đền thờ đều được dựng trên phần mộ của hai thánh Phêrô và Phaolô. Bên trong nhà thờ thánh Phêrô là một không gian vô cùng rộng lớn, huy hoàng, tráng lệ, nổi bật là bức tranh khổng lồ trên trần Nhà thờ Sixtine, căn phòng Rafael cùng vô vàn tác phẩm điêu khắc xuất sắc như tượng Đức Mẹ Sầu Bi (Pietà) của Michelangelo, tượng đài nữ hoàng Thụy Ðiển (Christina of Sweden),… Đền thờ thánh Phaolô cũng ấn tượng không kém với cấu trúc kiên cố, cột trụ to lớn cùng các bức tranh sống động về cuộc đời thánh nhân và các vị giáo hoàng. Mang dấu ấn tiêu biểu của lối kiến trúc bascilia với diện tích lớn cùng hàng ngàn chi tiết nghệ thuật tinh tế, sống động, hai ngôi thánh đường không chỉ là nơi tổ chức nhiều dịp lễ lớn của Giáo Hội mà còn là địa điểm thu hút khách tham quan nổi tiếng ở Vatican.