Những ngày gần đây, các bạn trẻ đang xôn xao với câu hỏi “Thế bạn nói xem vì sao mình phải trả lời bạn?”, thì bất chợt, chúng mình lại nhớ tới Chúa Giêsu cùng Phêrô trải qua một buổi “phỏng vấn” với những câu hỏi lặp đi lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên, khác với cách phản hồi phía trên, Phêrô chẳng hỏi lại Chúa Giêsu “Thế Thầy nói xem vì sao con phải trả lời Thầy khi Thầy là Đấng biết rõ mọi sự?”, mà ông chọn cách vâng phục trả lời với tất cả lòng mến: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Bối cảnh câu chuyện xảy ra là nơi biển hồ Tibêria – nơi của những cuộc hẹn, giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Đây được Thánh Gioan tông đồ ghi nhận là lần thứ ba Ngài hiện ra với các tông đồ sau khi từ cõi chết sống lại. Và chính nơi đây, Ngài đã làm lại một lần nữa những cử chỉ thật thân quen – là những lần đầu tiên Ngài gặp và mời gọi các tông đồ.
Đỉnh cao của trình thuật là những câu hỏi Chúa Giêsu nói với ông Phêrô. Chỉ cùng một nội dung duy nhất: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em kia không?”, nhưng nếu chỉ dừng lại ở mặt ngôn từ trong tiếng Việt, chúng ta chỉ nhìn thấy một mầu sắc đơn điệu và nhám chán, đến nỗi buột miệng mà nói: Sao Chúa lại hỏi cắt cớ như người đãng trí vậy? Sao Chúa lại cứ hỏi đi hỏi lại cùng một câu hỏi? Và chúng ta sẽ thấy vô vị trong cuộc đối thoại này
Nhưng quay trở về bản văn tiếng Hy Lạp, thì chúng ta sẽ khám phá được đằng sau những câu từ ấy một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Ngoài con số ba là số lần Chúa Giêsu hỏi ông Phêrô như một lời nhắc nhớ về ba lần chối bỏ Thầy của mình, thì chữ “yêu mến” trong mỗi câu hỏi đều mang một màu sắc riêng biệt và tuyệt vời.
Trong văn hoá Hy Lạp, từ “tình yêu” được thể hiện qua ba chữ: έρως (êros), φιλιω (philiô), ἀγάπη (agapê). Ba từ này diễn tả ba mức độ theo từng bậc. Tình yêu “êros” là tình yêu vị kỉ, hướng mọi sự về bản thân và không cần quan tâm đến người khác. Tình yêu “philiô” là những rung động đồng điệu, những cảm xúc yêu mến mà mỗi người dành cho nhau trong một khoảnh khắc nhất định và không được bền vững lâu dài. Và tình yêu “agapê” là tình yêu vị tha, hướng về người mình yêu và sẵn sang hy sinh mọi sự vì hạnh phúc của người mình yêu.
Chúa Giêsu đã chọn lấy một tình yêu agapê, “tuy là Thiên Chúa nhưng không nghĩ phải cho được ngang hàng với Thiên Chúa, trái lại, Người đã mặc lấy xác phàm của con người. Người đã tự hạ mình, vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”. Người sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại, và khi Phục Sinh, Ngưới cũng muốn mang tinh thần ấy đến với các tông đồ, rồi đây sẽ là những người tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho mọi người. Và người được trao gửi đầu tiên, không ai khác là vị tông đồ trưởng Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có ‘agapê’ (yêu mến) Thầy hơn các anh em kia không?” Chúa Giêsu muốn nơi ông một sự cho đi trọn vẹn như Thầy Chí Thánh của mình, luôn sẵn sàng hy sinh mọi thứ, kể cả mạng sống mình, để làm chứng cho Người. Nhưng ý thức được thân phận yếu đuối của mình, ông chỉ khiêm tốn xin: “Thưa Thầy, Thầy biết con ‘philiô’ (yêu mến) Thầy”. Vì sao? Vì ông đã từng chối bỏ Thầy mình, vì ông thấy mình không xứng đáng với tình yêu hướng về nhân loại thật lớn lao của Thầy, và điều ấy, ông không sẵn sàng đón nhận và cho đi. Ông không chắc! Nhưng quả quyết một điều: Vâng, tuy con không thể lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh mọi sự vì người mình yêu như Thầy, nhưng những gì đang là hiện tại, những gì đang diễn ra ở đây, từng phút từng giây con đang nói, con đang thở, con đang làm, thì con tin tưởng rằng mình sẽ được như Thầy. Còn chuyện ngày mai, chuyện tương lai, chuyện của những tháng ngày sau, con không dám chắc con vẫn trung tín với Thầy, vì con đã từng phản bội Thầy, không những một lần, mà tới ba lần. Và đối đáp lại câu trả lời của Phêrô, Chúa Giêsu vẫn tin tưởng và bảo: Hãy chăm sóc chiên con của Thầy. Chúa trao cho ông những con người nhỏ bé của Hội Thánh, trao cho ông sự chăm lo đúng với những gì ông khiêm tốn nhìn nhận.
Đến lần thứ hai, Chúa Giêsu lại hỏi ông một lần nữa: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có ‘agapê’ (yêu mến) Thầy hơn các anh em kia không?” Và cũng một lần nữa, ông vẫn nhớ những lỗi lầm mình mắc phải, và vẫn nhớ thân phận yếu đuối mong manh của mình, nên ông chỉ khiêm tốn mà nói: “Thưa Thầy, Thầy biết con ‘philiô’ (yêu mến) Thầy”. Tuy nhiên ở lần này, Chúa Giêsu nhận ra nơi ông, ngoài sự khiêm hạ nhìn nhận thiếu sót, còn là một niềm yêu mến, tuy không chắc chắn vững bền, nhưng cũng là sự gắn bó từng chút một, nên Người đã nói: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.
Và đến lần thứ ba, sau hai lần “trả giá” về lòng yêu mến, Chúa Giêsu đã hiểu Phêrô, trong tâm trí ông, tình yêu ‘agapê’ thật lớn lao và ông sợ rằng mình không giữ được, nên Người mới nói với ông: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có ‘philiô’ (yêu mến) Thầy hơn các anh em kia không?” Và ông Phêrô thấy “phiền lòng” vì Chúa hỏi đến “lần thứ ba” (cần lưu ý trật tự của cụm từ này, nhất là khi nói “Chúa hỏi đến ba lần” và “Chúa hỏi đến lần thứ ba”). “Phiền lòng” ở đây không hiểu theo nghĩa thời đại hôm nay, khi đó là cách diễn đạt sự khó chịu, bực tức, phiền phức về những chuyện xảy ra chung quanh; nhưng “phiền lòng” theo ánh sáng của Tin Mừng, được đón nhận với ý nghĩa “nhọc lòng”, “tự cảm thấy mình thật nhỏ bé”, nhỏ bé trước một tình yêu vĩ đại, đã cho đi, đã hiến dâng cho người mình yêu. Khó có một từ ngữ nào có thể diễn đạt cảm xúc của Phêrô lúc này: ông nhận thấy Tình Yêu vô bờ của Chúa Giêsu như một vùng đại dương rộng lớn mà trong đó, ông chỉ là một hạt cát rất nhỏ, điều nhắc nhớ lại thánh vịnh đã được ghi: “Nhân loại là chi mà Chúa phải bận tâm?” Thế nên, ông buồn, buồn cho mình, vì mình chẳng là gì trước một Tình Yêu bao la như thế. Và để đáp trả lại, ông chỉ còn biết nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con ‘philiô’ (yêu mến) Thầy”. Và Chúa Giêsu trao phó Hội Thánh của Người cho Phêrô: “Hãy chăn dắt chiên mẹ của Thầy”.
Nhìn lại cuộc đời của Phêrô từ sau cuộc trò chuyện ấy, quả thật, chúng ta khó có thể tìm thấy một tình yêu “agapê” của ông giống Thầy của mình. Nhưng trong từng lát cắt của cuộc đời mình, từng phút, từng giây, ông vẫn giữ được một tình yêu “philiô”, và nếu xâu chuỗi những “philiô” đó lại, chúng ta sẽ thấy một “agapê” thật tròn đầy của Phêrô noi gương Chúa Giêsu trong hành trình trần gian này.
—
Hình ảnh & Bài viết: Ban Truyền Thông Đoàn Têrêsa Hài Đồng Giêsu Tân Việt