[Suy tư Lời Chúa ngày Chúa Nhật 19 Thường Niên năm A]
Trong lời hiệp ý cầu nguyện cho các bạn đang trải qua kì thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông, các thành viên Ban Truyền Thông Tân Việt tham dự Thánh lễ Trực tuyến, lắng nghe các bài đọc và bài giảng của Cha chủ tế, chợt thấy mấy điều “hay ho” để giúp mỗi người chúng ta khám phá niềm vui Tin Mừng mà đưa vào cuộc sống của mình, nhất là trong lúc này, khi các bạn đang lo âu với những giờ thi căng thẳng, như các môn đệ xưa đang ngồi trên thuyền lênh đênh, bị sóng đánh vì ngược gió, Chúa Giêsu đã đến an ủi và nói: “Cứ yên tâm, chính THẦY đây, ĐỪNG SỢ!” (Mt 14, 27)
Lời an ủi của Chúa Giêsu, khi nhìn lại trong bản văn Kinh Thánh được viết bằng tiếng Hy Lạp, thì câu nói ấy sẽ là:
“Θαρσεῖτε: ἐγώ εἰμι: μὴ φοβεῖσθε.”
Và, một lần nữa, chúng ta mở lại Cựu Ước trong sách Xuất Hành, trong trình thuật Ông Môsê diện kiến Đức Chúa là Thiên Chúa nơi bụi gai bốc cháy, thì Thiên Chúa cũng đã cho ông biết danh xưng của Ngài:
“καὶ εἶπεν ὁ ϑεὸς πρὸς Μωυσῆν ᾽Εγώ εἰμι ὁ ὤν· καὶ εἶπεν Οὕτως ἐρεῖς τοῖς υἱοῖς Ισραηλ ‘Ο ὢν ἀπέσταλκέν με πρὸς ὑμᾶς.”
Chuyển ngữ: “Thiên Chúa phán với ông Môsê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Israen thế này: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.” (Xh 3, 14)
Cả hai câu nói này đều có một điểm chung nằm ở chỗ: “Εγώ εἰμι” (Ego eimi) / “Εγώ εἰμι ὁ ὤν” (Ego eimi ho ôn), tức có nghĩa là “Ta là người (mà) ta là”, mà theo cách dịch của Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, câu đó sẽ là “Ta có sao Ta có vậy”
Trong tiếng Hy Lạp, “ego” là đại từ ngôi thứ nhất số ít (tôi), “eimi” là động từ “là, ở” (être/to be) chia ở ngôi thứ nhất số ít, “eimi” có nghĩa “tôi là, je suis, I am.” Trong kiểu nói “ego eimi”, “ego” là hình thức nhấn mạnh chủ từ nên dịch: “chính tôi là”, (Moi, je suis/It is I-I am) hay “chính là tôi” (c’est moi/it’s me) tuỳ theo mạch văn
Lời của Chúa Giêsu: ”Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ”. Ở giữa lòng thử thách của biển cả và sau này, trong cơn sầu khổ của cuộc Thương Khó, các môn đệ tự mình không thể nhận ra Đức Kitô hằng sống; nhưng Ngài phải ra dấu cho các môn đệ bằng cách ”lên tiếng”. Thật vậy, với bà Maria Magdala đang khóc bên mộ, Đức Ki-tô phục sinh đã gọi tên của bà: ”Maria”; với hai môn đệ đang buồn rầu thất vọng trên đường Emmau, Đức Kitô phục sinh đã âm thầm đồng hành và giải thích thử thách Thương Khó của Ngài dưới ánh sáng của Sách Thánh; và với các môn đệ đang ở giữa thử thách của biển cả, Đức Giêsu lên tiếng: ”Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ’‘
Và trong mọi thử thách của chúng ta, thử thách của thân phận và của số phận, Đức Kitô vẫn luôn lên tiếng, nói với chúng ta: “Chính Thầy đây, đừng sợ“, vì Ngài đã trải qua tất cả và đã vượt qua tất cả. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phải ở tận cùng của khó khăn và thử thách, Chúa mới đến và đến cách lạ lùng để cứu giúp và mở đường cho chúng ta đi; và sau này, Chúa sẽ cứ để chúng ta chết đi, nghĩa là chúng ta phải đi vào trong bóng đêm của biển cả sự chết ; và chỉ sau đó, Chúa phục sinh, là Đấng chiến thắng sự chết, mới đến đón chúng ta ở bở bên kia của sự chết
Điều này chúng ta cũng có thể nhìn lại cách tương tự qua biến cố Xuất Hành của dân Do Thái ngày xưa, mà khởi đi là cuộc gặp gỡ giữ Môsê và Thiên Chúa nơi bụi gai bốc cháy. Trước sự thống khổ của dân riêng mà Ngài đã chọn, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho dân một hành trình tiến về Đất Hứa. Như Ngài đã nói:
“Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật…”
Xh 3, 7-8
Đó là hình ảnh của một Thiên Chúa luôn yêu thương và sẵn sàng ra tay cứu thoát chúng ta, chỉ khi chúng ta biết chạy đến nương tựa và vững tin vào Ngài. Cũng như Êlia trong bài đọc 1 hôm nay: ông đến gặp gỡ và nài xin Thiên Chúa cứu giúp ông. Và Thiên Chúa hiện diện cùng ông, không phải trong những thứ kinh hoàng khiếp sợ, nhưng là trong tiếng gió nhẹ hiu hiu, như để an ủi và vỗ về ông, sau một hành trình ngôn sứ nói lời của Thiên Chúa cho dân
Hãy luôn tin tưởng, trông cậy, và yêu mến Thiên Chúa, vì Ngài vẫn ở đây với chúng ta, hôm qua, hôm nay, và mãi mãi. Amen!