Trong tiếng Pháp, từ “Salut” được sử dụng như một lời “Xin chào” khi mọi người gặp nhau trong các tình huống gần gũi (giữa bạn bè, người thân thiết). Ngoài ra, từ “Salut” được dùng để nói về việc “được cứu thoát khỏi cái chết, sự nguy hiểm, thoát khỏi tình huống không thoải mái”, hay nói cách khác, đó là việc “được cứu thoát khỏi án phạt đời đời”, ngắn gọn hơn đó chính là “Ơn cứu độ”
Hai ý nghĩa này của từ “Salut” đã diễn tả ý định của Thiên Chúa dành cho loài người từ rất lâu, qua việc mời gọi con người kết hợp vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời cũng là hành động cứu con người thoát khỏi tình trạng tăm tối dẫn đến án phạt đời đời khi tổ tông loài người đã sa ngã và phạm tội vì bất phục tùng. Qua dòng lịch sử dân Israel, chúng ta có thể thấy lại những lần Thiên Chúa ngỏ lời với con người để qua đó, Ngài bày tỏ ý định yêu thương của Ngài cho loài người chúng ta:
Qua các Giao ước với các Tổ phụ (Abraham, Isaac, Giacóp)
Qua biến cố Xuất hành và Hành trình trong Sa mạc
Qua việc tuyển chọn và xức dầu tấn phong các Vua
Qua các ngôn sứ loan báo lời Thiên Chúa
Và sau cùng, qua chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, do quyền năng Chúa Thánh Thần
Như vậy, việc mạc khải của Thiên Chúa được thực hiện theo phương pháp sư phạm tiệm tiến, từng bước mở hướng, chỉ lối cho con người tiến bước: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2)
Bài Tin Mừng trong ngày lễ Truyền Tin hôm nay, là minh chứng rõ nhất và tuyệt vời nhất để chúng ta nhìn ra mối tương quan thân tình giữa Thiên Chúa và con người, qua trung gian Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, và qua đại diện của loài người là Đức Trinh Nữ Maria: Thiên Chúa ngỏ lời đến con người với ý muốn thực hiện lời hứa cứu độ, và con người, trong sự tin tưởng, phó thác, đã “xin vâng” để đáp lại lời mời gọi ấy của Thiên Chúa
Mở đầu của biến cố Truyền Tin là lời Sứ thần “chào” Đức Maria:
“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (bản dịch mới) / “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà” (bản dịch cũ)
Thánh Luca thuật lại khi nghe lời chào của Sứ thần, Đức Maria “bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có ý nghĩa gì”, và rồi Sứ thần trấn an:
“Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Vì chưa hiểu sự việc ấy sẽ xảy ra cách nào khi chưa biết đến người nam, thì Sứ thần nói tiếp:
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Hoàn toàn tin tưởng và vâng nghe Thánh Ý của Thiên Chúa, Đức Maria đã đáp lại lời “Xin vâng”:
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”
Kinh Tin Kính Công đồng Nicea-Constantinopoli cũng cho chúng ta thấy cả hai ý nghĩa của chữ “Salut” khi nói về biến cố Truyền Tin:
“[…] Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. […]”
Và trong ngôn ngữ Do Thái, “Giêsu” cũng có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”
Trong ngày lễ Truyền Tin hôm nay, xin cho chúng ta biết noi gương Thiên Chúa để xót thương mọi người như Chúa đã xót thương đến nhân loại tội lỗi; biết noi gương Đức Giêsu, Ngài là Thiên Chúa – người, chấp nhận tất cả để cho người khác được hạnh phúc và được cứu độ; noi gương Mẹ Maria, sẵn sàng khiêm nhường và phó thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa, để Thánh Ý Thiên Chúa được nên trọn hảo
Hiệp thông trong lời cầu nguyện và theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha trong cơn đại dịch, chúng ta cùng ngài và toàn thế giới đồng lòng dâng lên Thiên Chúa lời Kinh Lạy Cha vào đúng 12 giờ trưa nay (theo giờ Rôma, GMT+1, tức 18 giờ theo giờ Việt Nam). Đức Thánh Cha nói: “Trong những ngày thử thách này, trong khi nhân loại run sợ vì mối đe dọa của đại dịch, tôi muốn đề nghị tất cả Kitô hữu, tất cả đồng thanh dâng lời khẩn nguyện lên Thiên quốc. Tôi mời gọi tất cả các vị lãnh đạo các Giáo hội của các hệ phái đức tin khác nhau, khẩn cầu Đấng Tối Cao, Thiên Chúa toàn năng, bằng cách đồng thời cùng nhau cầu nguyện đọc kinh Lạy Cha vào giữa trưa ngày thứ Tư 25/03 tới đây. Trong ngày rất nhiều Kitô hữu nhớ đến lời loan báo với Đức Trinh nữ Maria về sự Nhập thể của Ngôi Lời, cầu xin Chúa có thể lắng nghe lời nguyện cầu hiệp nhất của tất cả môn đệ của Ngài đang chuẩn bị cử hành sự chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh.”