Hôm nay 15/9, Giáo Hội mừng kính Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (hay lễ Đức Bà Bảy Sự, lễ kính Bảy Sự Thương Khó của Đức Bà) trong tiếng Latinh là Mater Dolorosa (hay Septem Dolorum), trong tiếng Anh là Dolors of Our Lady (hay Seven Dolors of Blessed Virgin, Seven Sorrows of Our Lady).
Nguồn gốc: Trước cuộc cải tổ phụng vụ của Công đồng 1969, trong mùa Phụng vụ có hai thánh lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi. Năm 1725, Thánh lễ thứ I được cử hành vào ngày thứ Sáu trong tuần Khổ Nạn, trước Lễ Lá theo ý chỉ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV. Năm 1668, Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ được Toà Thánh cho phép mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngày Chúa Nhật III trong tháng 9. Năm 1912, Đức Giáo hoàng Piô X quyết định toàn thể Giáo Hội cử hành lễ này một lần nữa vào ngày 15-9 hằng năm, sau lễ kính Thánh Giá, đó là lễ thứ II. Cả hai thánh lễ đều dùng thánh thi “Stabat Mater” (Mẹ Sầu Bi đứng dưới chân Thập tự Giá) của Giacopone da Todi (1360), tu sĩ dòng Phanxicô, làm thánh ca cho buổi lễ. Năm 1969, theo cải tổ phụng vụ sau Công đồng Vatican II, lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngày Thứ Sáu trong tuần Khổ Nạn bị bãi bỏ vì Giáo Hội không muốn mừng một biến cố hay một mầu nhiệm hai lần trong một năm.
Giáo Hội đã đặt lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngay sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá để như muốn nói rằng: “Khi Ðức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Chúa đứng kề bên mà thông phần đau khổ”. Cuộc đời Mẹ luôn kết hợp với những nỗi khổ đau của Đức Giêsu. Có lẽ không đau khổ nào lớn hơn đau khổ của chính Đức Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà theo lời của Thánh Gioan, “đã đứng kề bên thập tự giá Đức Chúa Giêsu” (Ga 19,25) trên đồi Calvê. Không ai hiểu con cho bằng người mẹ, và cũng không ai đau khổ hơn người mẹ khi phải chứng kiến sự đau khổ và cái chết của con mình.
Lạy Mẹ rất thánh, tâm hồn Mẹ đã bị đâm thủng bởi lưỡi gươm sầu bi khi diện kiến cuộc khổ nạn của Con Chí thánh Mẹ nên chỉ có Mẹ mới đồng cảm và hiểu thấu cho chúng con. Xin Mẹ luôn bên cạnh nâng đỡ và ủi an chúng con mỗi khi gặp phải những biến cố, thử thách trong cuộc đời. Amen