Gặp gỡ thăm viếng
1. Chào hỏi
- Chào hỏi là biểu lộ sự kính trọng, lịch sự, là phương tiện để gây thiện cảm. Lời chào hỏi nên kèm theo nụ cười niềm nỡ, thân thiện.
- Người dưới không chào người trên là thiếu lễ độ, người trên không đáp lời chào bị tiếng là hách dịch, khinh người.
- Cách chào thông thường (VN) là cúi đầu và nói: ”Kính chào Đức Cha, Chào ông, chào thầy, chào bác sĩ…” Nếu đang đội nón, ngậm thuốc lá thì bỏ ra.
- Việc bắt tay: Đợi người trên đưa tay trước, mới được bắt. Bắt tay với sự niềm nỡ, thân mật, đừng mềm nhũn, cũng đừng xiết quá chặt, hoặc lúc lắc quá mức… Khi mang bao tay hoặc tay dơ bẩn, thì xin lỗi.
2. Giới thiệu
- Mục đích giới thiệu là để quen biết nhau, biết rõ hơn.
- Cách giới thiệu: Giới thiệu người nhỏ cho người lớn, người chức cao trước người chức nhỏ. Lời giới thiệu cần đầy đủ và tên, chức nghiệp, (nơi ở và nơi làm…)
- Vd: Thưa Cha, đây là anh X, chị Y bạn lớp của con.
- Giới thiệu bất kỳ ở đâu, lúc nào, nếu thấy cần cho sự quen biết và làm việc. Chỉ nên nói cách ngắn gọn về điều ta biết thôi, đừng giới thiệu quá mức!
3. Thăm viếng
- Khi nào? Khi vừa mới đến nơi, khi đổi nơi, ta cần thăm viếng người chủ, người lớn nơi đó. Khi hay tin vui hoặc buồn đau bệnh, dịp lễ Bổn mạng, Sinh nhật …
- Cách thức thăm: Gõ cửa (2 tiếng), hoặc bấm chuông, chờ mời vào.
- Khi vào nhà, vào phòng riêng, chào chủ nhà và các thành viên gia đình. Khi đó mời ngồi, ta cám ơn rồi ngồi nơi được chỉ định.
- Đừng kéo dài câu chuyện, tìm cách rút lui khi chủ còn luyến tiếc. Cuộc thăm viếng thông thường không quá 15′. Nên lưu ý xem thời giờ, công việc của chủ nhà để cáo lui sớm.
4. Tiếp khách thăm
- Phải tỏ ra vui vẻ, hiếu khách, ra đón tiếp niềm nở, rộng rãi, nhất là đối với anh chị em tu sĩ. Nét mặt, cử chỉ, lời nói hoàn toàn cho khách. Nhẫn nhục nghe chuyện, đừng bộc lộ bực dọc, nhăn nhó.
- Đang tiếp chuyện, nếu có việc khẩn cấp, hoặc có khách vào ta xin cảm phiền, xin vui lòng đợi chút… Khi họ ra vê cần đưa tin với đôi lời mời, luyến tiếc…
- Với khách tạm trú: Tạo sự thoải mái “như nhà của họ”. Cần đón tiếp niềm nở, dọn phòng riêng, dụng cụ cho sạch sẽ, rồi tổ chức giải trí, cơm nước chu đáo. Nên giữ bầu khí vui vẽ, quan tâm đến nhu cầu của khách.
- Thời gian ở trọ: Châm ngôn người khách là: “Nhập gia tùy tục”. Biết quí trọng những gì của chủ (đồ dùng, thú vật, điện nước…). Biết khen tặng những cái hay đẹp, tài nấu nướng, cách trang trí trả thù lao cho người làm công… Đừng tò mò, lục lạo đồ đạc, thư từ của chủ. Về nhà, nên viết thư cám ơn, có thể gởi quà tặng.
Nghệ Thuật Nói Chuyện
1. Đó là nghệ thuật “biết nghe“
“Thiên Chúa ban cho ta có hai cái tai và một cái lưỡi để đào luyện ta nên Nói ít mà lại Nghe nhiều” (Chiavarino).
Có người thích nói, nói lung tung ”nói dai như đỉa đói”, đó là cách gây ác cảm thành công nhất! Còn nghe thuật Nói, chính là Biết Nghe. Nghe không chỉ bằng đôi tai, mà còn nghe bằng mắt, bằng miệng, bằng nét mặt và toàn thân nữa. Đó chính là bí quyết ”gây thiện cảm”.
- Nghe bằng đôi tai: Dĩ nhiên, lời nói được nhận biết qua đôi tai. Nghe bằng tai những thông tin, đôi khi có những lời chỉ trích, nói xấu, phán đoán bừa bãi, tục tĩu… Hãy cười cười rồi bỏ qua, xem như “nước đổ đầu vịt” và gợi ý sang chuyện khác bổ ích hơn.
- Nghe bằng mắt: Khi tiếp chuyện với ai, hãy nhìn vào mắt họ, như muốn thu hút hết điều họ nói cả những điều mà họ diễn tả chưa đủ bằng lời. Họ muốn thế, họ muốn bạn hiểu hết ý họ, nên bạn hãy dồn nhãn lực vào họ là cách nghe bằng mắt.
- Nghe bằng nét mặt: Đừng để “mặt chai như đá”, nhưng nên thay đổi nét mặt theo tình tiết câu chuyện, để tỏ ra thông cảm với họ.
- Nghe bằng điệu bộ: qua việc gật đầu đồng ý; chống tay, nhăn trán để tỏ vẻ suy tư; hoặc tươi nở nụ cười với niềm vui mà họ kể. Nghe bằng miệng khi lên tiếng nói: “Vâng, dạ, phải đó, thật à!…” tuỳ theo ý nghĩa câu chuyện.
- Nghe với tinh thần học hỏi: Khi tiếp chuyện với ai, ta nên rút ra bài học ”hay-dở”. Trên đời, ai lại không có hay dở. Hãy loại bỏ điều tiêu cực để thu nhận điều tích cực và tích luỹ thành kinh nghiệm sống.
2. Biết nói
- Thận trọng: Nếu họ muốn ta chia sẻ, góp ý, ta hãy thận trọng suy nghĩ và nhận định trước tiên về mặt tích cực điều họ đã nói và cần dè dặt mặt tiêu cực. Hãy thận trọng góp ý bằng cách nói khiêm tốn và nghiêm túc, nhất là bày tỏ sự cảm thông chân thành đối với họ.
- Nghiêm túc là khiêm tốn: Đừng nói những lời, những chuyện thiếu thanh nhã, lời hai ý, nhất là và vấn đề phái tính. Lời nói bộc lộ nội tâm của bạn, vì “lòng đầy miệng mới nói ra”: Nói khiêm tốn là không nên nói về mình nhiều quá, lúc nào cũng phô trương ‘cái tôi’ thế này thế nọ, nhưng nên nhìn nhận ‘tôi còn thiếu sót’…
- Bác ái: Nói để xây dựng tình đoàn kết, yêu thương và giúp nhau thăng tiến hơn. Tránh những lời chua cay, châm biếm, mỉa mai, nói hành nói xấu. Nên nhớ: “Ngậm máu phun người, trước dơ miệng mình”. Khi nói xấu ai về một vấn để gì, đó là dấu ta đã có khuynh hướng xấu đó rồi! Còn nói tốt về một người, đó là cách giúp ta muốn sống tốt, muốn khích lệ người đó tốt hơn mà cũng là cách để người khác đánh giá ta tốt về mặt đó.
Lịch Sự Trong Bữa Ăn
Bàn ăn là nơi thể hiện nhân cách và giáo dục nhiều nhất, tục ngữ có câu: “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” nhằm lưu ý ta về việc học cách ăn uống và tiếp đãi khách.
1. Cách ăn uống
- Khi đến giờ, chủ nhà mời ăn, chỉ chỗ và mời ngồi, ta hãy vào ngồi cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Kế tiếp, (kinh nguyện) cách cầm đũa, chén, hoặc muỗng nĩa, dao… khăn ăn.
- Ăn uống cách nhẹ nhàng từ tốn. Lấy thức ăn do chủ trao hoặc chọn món ăn gần nhất. Đừng xốc lên, lựa chọn miếng ăn… Lưu ý sử dụng các muỗng cho từng món ăn.
- Khi uống nước nóng, không lên thổi: Tay mặt cầm tách, tay trái cầm dĩa lót hứng nước nhiễu. Uống nhẹ nhàng từng gụm.
- Khi chủ rót rượu, trà, nên lưu ý xin vừa đủ và cám ơn.
- Không nói chuyện khi thức ăn còn trên miệng.
- Học cách ăn dĩa và cách cầm muỗng, nĩa, dao.
2. Cách đãi tiệc
Nguyên tắc chung: Mời và đến đúng giờ, để khai mạc bữa tiệc
- Cách đặt bàn, xếp ghế
- Tuỳ loại bàn tròn hay chữ nhật. Kiểu VN hay Âu Mỹ, mà ta có cách đặt bàn khác nhau.
- Nguyên tắc chung: Trải khăn sạch, ghế ngồi cách nhau chừng 50 phân, xếp sẵn chén, dĩa, ly, muỗng nĩa dao hay đũa, khăn ăn… cho từng người. Đừng quên ống tăm sạch sẽ có thể đặt sẵn thực đơn (menu).
- Xếp chỗ ngồi: Nếu khách không lớn hơn chủ nhà thì chủ nhà ngồi chế số 1, kế đến là ghế đối diện, hoặc bên tả hữu của người quan trọng. Người thân trong nhà phải nhường chỗ ngồi cho khách.
- Cách sắp xếp bàn ghế (loại vuông tròn) và vị trí quan trọng trong đám tiệc.
- Cách tiếp bàn
- Nguyên tắc chung: Nhạy bén, gọn sạch khi trót rượu nước khi đem vào hoặc lấy thức ăn ra, tuỳ theo nhu cầu bàn ăn.
- Đừng tự động chia thức ăn, uống; cần thêm, phải xin phép người dùng.
- Học cách rót rượu, trà, cách chia thức ăn, súp… sử dụng bếp ga.
- Ăn xong, mời dùng món tráng miệng, dùng rượu thơm hoặc cà phê, trà.