Ý Nghĩa Đối Thoại
1. Đối thoại là gì?
- Đó là cuộc gặp gỡ, nói chuyện, trao đổi tư tưởng, tình cảm, ý kiến cho nhau, nhất là biết nói và biết nghe những gì đang chất chứa, đang xảy ra, thậm chí trong những ngôn ngữ không lời, những gì ở giữa và ở sau lời nói.
2. Nền tảng của đối thoại.
- Chính là sự tôn trọng tình người.
- Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trên chuyến bay từ Rôma sang Habana thăm Fidel Castro, Tổng thống nước Cuba, các ký giả coi đó như là cuộc đối đầu giữa thiên thần và ma quỉ, nhưng ĐGH khẳng định: “Đây chỉ là cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa hai con người”.
3. Thế nào là đối thoại thật sự?
- Theo Gregory Bateson, có 3 điều kiện thiết yếu hình thành cuộc đối thoại thật sự:
- Chấp nhận ngồi lại với nhau.
- Chân thành trình bày các quan điểm của mình.
- Lắng nghe, tìm hiểu, trân trọng những khác biệt của nhau, không bắt ép đối phương thay đổi.
4. Thế nào để cuộc đối thoại hữu ích?
Cần có 3 điều căn bản:
- Biết mình, biết người: Tôi muốn nói gì? Tôi nói với ai?
- Biết tìm chân lý: Tôi đã và đang biết gì? Tôi cần biết những gì?
- Biết trình bày và đón nhận quan điểm: Tôi cần nói và nghe thế nào? Tôi nhận xét quan điểm của họ thế nào? Điều tôi đã biết, tôi thêm xác tín kiện toàn. Điều hay, mới tôi chưa biết, thì tôi cần đón nhận cách khiêm tốn, can đảm.
Tầm Quan Trọng
Tinh thần đối thoại:
- Là điều rất cần thiết cho đời sống của Hội Thánh thời nay, ĐGH Gioan Phaolô II được mang danh là “Con người của đối thoại”.
- Đối thoại là con đường mà Chúa Giêsu đã dùng để mang ơn cứu độ đến cho nhân loại.
- Hơn bao giờ hết, con người của thế giới hôm nay khao khát được đối thoại. Các cộng đoàn tu rất cần tinh thần đối thoại.
Bài học đối thoại:
- Là một bài học rất khó, nhưng là một bài học thú vị hữu ích.
- Độc thoại dài là điều mà con người thời nay không ưa thích.
- Tinh thần độc thoại làm cho con người thời đại chán ngán. Ta cần học biết đối thoại.
Vấn đề đối thoại là một vấn đề gay go, rộng lớn và phức tạp trong mọi lĩnh vực sống: chính trị, tôn giáo, kinh tế, xã hội, văn hóa, Dòng tu… Trong phạm vi bài này, ta chỉ nêu lên vài khía cạnh đối thoại trong lãnh vực nhân bản và tu đức.
Lý Do Phát Sinh Đối Thoại
1. Nhu cầu gặp gỡ đối thoại.
- Con người được mang danh là “con vật xã hội”, do tính liên đới, con người cần gặp gỡ và đối thoại.
- Họ cần tìm đến nhau, trao đổi kinh nghiệm, đối chiếu quan điểm, chia sẻ cuộc sống vui buồn… để được phong phú hơn trong cuộc sống.
2. Ý thức về giới hạn và ước muốn hoàn thiện.
- Chỉ có ý thức về giới hạn mới làm nảy sinh đối thoại. Con người tự mãn không có khả năng đối thoại, chỉ biết độc thoại.
- Con người đối thoại là con người cầu tiến, muốn nhận ra điều sai để sửa chữa, nhìn thấy khiếm khuyết để bổ sung.
- Con người tự mãn chỉ có thể tranh luận hay bắt bẻ, không có khả năng đối thoại.
3. Tinh thần xây dựng lợi ích chung:
- Muốn tìm giải pháp tốt nhất, muốn cho việc chung được tốt đẹp, cần thiết phải có đối thoại.
- Chỉ những người có tinh thần công ích mới có khả năng đối thoại. Những người ích kỷ không đối thoại bao giờ.
4. Tìm hiểu một con người:
- Có những lúc cần phải hiểu kỷ một con người và con người không chỉ là đối tượng để điều tra hay thẩm vấn.
- Vì thế, cần tìm hiểu con người bằng con đường đối thoại chân thành.
5. Thao thức tìm kiếm chân lý:
- Không ai làm chủ chân lý, nhưng cần phải tìm kiếm chân lý. Đối thoại là cùng nhau đi tìm chân lý.
- Ánh sáng chân lý chỉ chiếu dọi cho những tâm hồn cởi mở và thao thức tìm kiếm. ( x. Nicôđêmô)
6. Thao thức mang ơn cứu độ đến cho người khác.
- Bận tâm rao giảng Nước Trời. Đó là những đối thoại, những lần gặp gỡ siêu nhiên.
- Đối với người tông đồ của Chúa, mỗi lần gặp gỡ tha nhân là mỗi lần mang lai ân sủng cho cả hai bên.
- Gặp gỡ và đối thoại là con đường của ân sủng. Mọi Kitô hữu điều là trung gian của ân sủng Thiên Chua cho người khác.
Nghệ Thuật Đối Thoại
Đối thoại là một nghệ thuật và nghệ thuật thì bao giờ cũng sáng tạo, nhưng nghệ thuật cũng có vài “thể loại” và tuân theo một vài qui luật. Ta có thể nêu 5 bước diễn tiến của Đối Thoại.
1. Bước một: Gặp gỡ trong mến tin.
- Đối thoại bao giờ cũng khởi đầu từ một thái độ nội tâm sự mến tin đối với người mình gặp gỡ.
- Bắt đầu đối thoại là bắt đầu mở cửa tâm hồn, mở con tim để đón nhận người khác, chính vì thế mà đối thoại đôi khi khởi sự bằng một nụ cười, bằng một ánh mắt chứa chan tình thương mến.
- Thái độ hoài nghi, thiếu tin tưởng và nhất là thánh kiến xấu ngay từ đầu, là chướng ngạy cho cuộc đối thoại, tương giao không thể thiết lập được giữa hai người thiếu tin tưởng lẩn nhau.
2. Bước thứ hai: “Gợi chuyện” và “ Chờ đợi”.
- Gợi chuyện là một nghệ thuật đòi hỏi sự tế nhị đồi đa. Có những cách gợi chuyện rất vụng về, làm cho người đối thoại bực mình ngay từ đầu. Khi gợi chuyện, cần sự nhẹ nhàng và tôn trong người đối thoại. Cách gợi chuyện không được gượng ép, nhưng phải biểu lộ sự thiết tha muốn thiết lập tương giao…
- Người gợi chuyện phải biết chờ đợi, không được hấp tấp. Muốn thiết lập tương giao phải có thời gian. (x. Phụ nữ bên bờ giếng)
3. Bước thứ ba: Nghe và nói: Nghe khi nào? Nói lúc nào?
- Người đối thoại phải là người biết lắng nghe, không chỉ bằng đôi tai, nhưng với cả tâm hồn, cả trái tim. Thái độ lắng nghe làm cho ta trở nên rất tinh ý. Ta nghe khi người đối thoại muốn nói và nói khi thấy họ muốn nghe.
- Người không biết lắng nghe thì không thể đối thoại được. Nghe cách lãnh đạm, dửng dưng, cũng không đối thoại được. Nghe để bắt bẻ là hành vi đối đầu chứ không đối thoại. Cần nghe cách chăm chú và nghe với cảm tình, dù tha nhân đôi khi nói điều không đúng như ý ta. (x. Chuyện Nicôđêmô)
- Phải nói khi người đối thoại muốn nghe hay đang chờ đợi. Một sự thinh lặng không đúng lúc sẽ làm cho cuộc đối thoại trở nên nặng nề. Dù ta ích nói bao nhiêu đi nữa, hãy cố gắng trả lời câu hỏi và nói đôi điều khi thấy người khác chờ đợi. Nếu ta không nói gì thì người đối thoại khó tiếp tục câu chuyện với ta.
- Bước thứ ba này được coi là bước chính yếu của đối thoại, ít nữa là về phương diện nội dung. Những lần nghe và nói cần xen kẽ nhau, phải biểu lộ được thiện chí muốn lắng nghe, trao đổi tìm hiểu…
4. Bước thứ tư: Biểu lộ lập trường.
- Không phải lúc nào ta cũng biểu lộ lập trường, nhất là trong những chuyện không quan trọng. Khẳng định lập trường trong những việc nhỏ nhặt đôi khi lại có hại.
- Có những lúc ta không thể không nói ra lập trường, quan điểm của mình, dù lập trường ấy khác biệt với quan điểm của đối thoại.
- Cách biểu lộ quan điểm của ta cần từ tốn, khiêm nhường, không áp đặt. Dù không đồng ý với quan điểm của người đối thoại, ta vẫn tán đồng con người họ, vẫn đón nhận, yêu thương tôn trọng con người ấy.
- Có khi phải từ chối đề nghị, không chấp nhân tư tưởng của người đối thoại, nhưng không bao giờ ta được khước từ, khinh dể bản thân con người ấy. ( x. lui đi Satan!)
- Bước thứ tư này cũng có thể là lúc các người đối thoại cố gắng thống nhất ở những điểm chung và không để cho rạn nứt vì những điểm bất đồng.
5. Bước thứ năm: Lời nói tỏ lòng biết ơn.
- Đó là biểu lộ sự sung sướng đã được trải qua một khoảng thời gian trao đổi, tiếp xúc. Phải coi cuộc gặp gỡ như một hồng ân, một cơ hội mang lại niềm vui và nhiều lợi ích.
- Trong phần cuối này, ta biểu lộ ước mong gặp lại người đối thoại. Cuộc đối thoại kết thúc với một thái độ nội tâm giống như bước khởi đầu, đó là thái độ yêu thương và tin tưởng. Giờ đây tình yêu còn đậm đà hơn và sự tin tưởng sau sắc hơn trước. (x. Đàn bà ngoại tình)
Bài Học Đối Thoại
Một trong những cách mà Thánh Thần thích dùng nhất là con đường đối thoại. Người Kitô hữu tập đối thoại trong Thánh Thần và nhờ Thánh Thần. Cần nhận ra giá trị bài học về đối thoại.
1. Trước hết, muốn đối thoại, ta cần phải học sẵn sàng từ bỏ “cái tôi quan trọng” của mình, bằng thái độ tin tưởng. Muốn đồi thoại, là chấp nhận ngay từ đầu không sợ thiệt thòi, không sợ bị lừa, bị mất mát. Nếu ngay từ đầu mà coi bản thân là quan trọng, thì cuộc đối thoại chắc chắn sẽ thất bại. Đối thoại phải là một hành vi hoàn toàn hướng tha. Người quan trọng là tha nhân, chứ không phải là “tôi”.
2. Đối thoại đòi hỏi tinh thần sẵn sàng đón nhận người khác, xem họ ngang bằng với mình, đón nhận ý kiến, tư tưởng của người khác, mặc dù có khác biệt, nhưng có thể bổ túc và thêm lợi ích cho mình.
3. Đối thoại sẽ tập cho con người biết lắng nghe cách chân thực, biết để cho lời của người khác đi vào trong tâm hồn của mình… Đối thoại không là “chiếm đài”, không tranh nhau nói, nhưng là cuộc trao đổi đầy kính trọng, một sự nhường nhịn lẫn nhau, một tự nguyện thinh lặng và đón chờ. Đôi khi cả hai bên cùng thinh lặng và trong thinh lặng đó, họ lắng nghe tiếng nói và lời giải đáp chung.
4. Đối thoại tập cho người bớt chủ quan. Người muốn đối thoại phải biết coi mình là nhỏ bé trước sự thật. Nếu chua biết rõ sự thật, ta cần khiêm nhường chờ đợi và tìm hiểu. Việc đối thoại không cho phép con người tự mãn, nhưng bắt con người phải chờ đợi. Sự chờ đợi là thái độ của người khôn ngoan, luôn tự coi mình còn khiếm khuyết.
5. Cuối cùng: “cho đi” và “giữ lại trong lòng”, là bài học hết sức quan trọng rút ra từ các cuộc đồi thoại đúng nghĩa:
a. Cho đi những gì?
- Không nên nghĩ rằng ta phải có rất nhiều điều để cho đi khi đối thoại. Một người chỉ cho đi mà không biết lãnh nhận, là con người không biết đối thoại. Nói nhiều quá, cho nhiều quá có thể làm cho người khác ngán sợ và không muốn gặp lại lần nữa.
- Điều mà tha nhân chờ đợi khi đối thoại với ta không là một mớ kiến thức, nhưng có khi chỉ là một lời khuyên, một ý kiến. Quan trọng hơn, là tha nhân muốn gặp gỡ ta. Chính vì thế, trong đối thoại, ta phải biết cho đi chính bản thân mình. Đối thoại là một hành vi tự hiến.
- “Đời sống cầu nguyện” có thể là mẫu mực cho đối thoại trong cuộc sống. Cao điểm của cầu nguyện là “đối thoại tự hiến” với Đấng yêu mến chúng ta. Do đó, đối thoại thực sự tự nó tạo ra một bầu khí vừa thiêng liêng, vừa ấm cúng, trong đó những người đối thoại tự hiến bản thân mình cho nhau.
b. Giữ lại những gì?
- Có những người rất hời hợt, sau khi tiếp xúc với người khác hằng giờ, ra về không giữ lại gì cả. Có lẽ vì trong khi đối thoại, họ đã không nghe được gì cả. Cuộc đối thoại của họ chỉ là độc thoại dưới hình thức đối thoại.
- Người khác, khi ra về chỉ giữ lại trong lòng những lời cay đắng. Họ nghiền ngẫm những lời ấy và chúng trở thành độc dược giết chết tâm hồn họ. Cuộc đối thoại của họ đã thất bại vì họ không biết quên đi bản thân mình, nên bản thân họ đã bị những vết thương làm nhức nhối vì những lời vô tình hay hữu ý của người khác.
- Vậy sao một cuộc đối thoại, ta phải giữ lại gì? Khi nói về Đức Maria, Tin Mừng Luca có một thành ngữ thật tuyệt diệu, làm bài học cho ta trong việc đối thoại: “Bà giữ kỷ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).
- Ta cần lưu giữ một lời nói, một tư tưởng sau cuộc đối thoại. Có thể đó là một lời nói có sức biến đổi cuộc đời ta theo nghĩa tốt. Có thể đó là một lời khích lệ, cũng có thể là một lời phê bình. Lời mà ta giữ lại phải là lời có tác dụng làm cho ta hoán cải. Càng suy nghĩ lại trong lòng những lời ấy, chúng ta càng canh tân đổi mới cuộc sống.
- Nhưng quan trọng hơn nữa là “ giữ lại tha nhân” trong lòng mình, nhớ tới tha nhân, yêu tha nhân, cầu nguyện cho tha nhân. Như thế, một tình yêu, một tình bạn đã thật sự nảy nở trong tâm hồn với người đối thoại.