SUY NGHĨ. DIỄN GIẢI. HÀNH ĐỘNG
Trải qua các phần thực hành trong khoá Huấn luyện, vào hai ngày 04/06 và 07/06 vừa qua, các bạn Trưởng Tập Sự đã có buổi thuyết trình cuối khoá về các đề tài xoay quanh cuộc sống hiện tại của các bạn trong thế giới hôm nay
Với 5 chủ đề mời gọi các bạn suy nghĩ, diễn giải và hành động, bằng sự nỗ lực và tìm hiểu nội dung liên quan, cùng với sự đồng hành của Quý Dì và các Trưởng Hướng dẫn, các bạn đã tự tin thể hiện tốt phần trình bày của mình và mang đến cho các Anh Chị Huynh Trưởng những quan điểm, góc nhìn và suy tư riêng của các bạn về những nội dung khai thác từ các đề tài của các bạn
Cùng nhìn lại những giây phút “hồi hộp” rồi “thở phào” sau những nỗ lực các bạn đã hy sinh, vì lí tưởng phụng sự, các bạn nhé!
Nhóm 1: TTS. Giuse Anh Quân & TTS. Maria Thanh Thương
Vào ngày 06-05-2020 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên phong một thanh niên người Ý thuộc thế hệ 9X lên bậc Đáng Kính. Đó là anh Matteo Farina (1990-2009) qua đời khi mới 19 tuổi vì căn bệnh u não. Khi mới 15 tuổi, anh Farina đã có những suy tư sâu sắc về tình bạn, anh nói: “Tôi muốn được hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa mà không bị buộc phải bắt chước những sai lầm của họ. Tôi muốn dành hết tâm trí cho chúng bạn, mà không phải từ bỏ các nguyên tắc Kitô giáo của tôi. Thật khó. Khó nhưng không phải là không thể.”
Suy tư đó nói lên một nguyên tắc sống của anh để vẫn có thể hoà nhập với bạn bè đồng trang lứa nhưng không đánh mất căn tính Kitô giáo của mình. Theo bạn tại sao anh Farina lại cho đó là điều “thật khó”, nhưng đồng thời cũng là điều “không phải là không thể” thực hiện được? Trong thực tế cuộc sống, bạn sẽ làm gì để có thể thực hiện được nguyên tắc mà anh Farina đã nêu ra, đặc biệt trong các mối quan hệ bạn bè với những bạn trẻ không cùng niềm tin tôn giáo với bạn?
Nhóm 2: TTS. Giuse Gia Huy, TTS. Têrêsa Minh Thư, TTS. Phaolô Quang Trung
Trong “Thư chung gửi cộng đoàn Dân Chúa, đặc biệt là các bạn trẻ” vào cuối năm 2019 vừa qua của Hội đồng Giám mục Việt Nam, các vị mục tử đã ngỏ lời với các bạn trẻ: “Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con.”
Đó là lời mời gọi các bạn trẻ trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho các bạn trẻ khác bằng chính đời sống chứng tá của mình. Theo bạn, tại sao hơn ai hết, chính người trẻ phải trở nên tông đồ cho những bạn trẻ khác? Trong thực tế cuộc sống, bạn sẽ làm gì để kể về “kinh nghiệm Đức Tin” của mình cho những người bạn của bạn?
Nhóm 3: TTS. Maria Vân Anh, TTS. Têrêsa Thảo Nhi
Trong Tông huấn “Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống” do Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đặc biệt cho các bạn trẻ, khi nhận định về nền giáo dục Công giáo, ngài nói: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy. Họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội.” (Số 221)
Nhận định trên cho thấy có một khoảng cách khá xa giữa lý thuyết và thực tế, giữa những điều các bạn trẻ được trang bị nơi các lớp giáo lý và những gì các bạn phải đối mặt trong cuộc sống. Là một người trẻ, bạn có suy nghĩ gì về nhận định trên của Đức Thánh Cha? Là một Huynh trưởng – Giáo lý viên tương lai, bạn sẽ làm gì để việc giáo dục trong môi trường Thiếu Nhi Thánh Thể thu hẹp khoảng cách ấy nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu cần thiết của giới trẻ hôm nay?
Nhóm 4: TTS. Lucia Bảo Trân, TTS. Maria Giuse Phương Uyên
Đại dịch COVID-19 vừa qua tự nó là sự xấu không ai muốn xảy ra. Tuy nhiên, dưới con mắt Đức Tin, chúng ta có thể nhìn ra tính “dấu chỉ thời đại” của đại dịch này. Với ý hướng đó, trong “Thư hướng dẫn mục vụ mùa COVID-19” ký ngày 19-03-2020 của Tổng giáo phận Sài Gòn, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã nhận định: “Thay vì cuộc sống xô bồ, vội vã, hối hả và bị cuốn hút vào công việc và tiền bạc; con người biết sống chậm lại và cân nhắc đâu là điều thiết yếu và cái gì là phù du.”
Nhận định trên buộc chúng ta phải biết phân định giữa ‘sống vội’ với ‘sống chậm’, giữa việc ‘chạy theo điều phù du’ với ‘hướng đến các giá trị thiết yếu’. Bằng chính trải nghiệm của bản thân và qua những điều quan sát được trong thời gian “giãn cách xã hội” vừa qua, bạn có suy nghĩ gì về nhận định của Đức Tổng về những cung sách sống đối lập nói trên? Và “dấu chỉ thời đại” ấy có thể giúp các bạn trẻ thay đổi cung cách sống của chính mình không?
Nhóm 5: TTS. Anna Ngọc An, TTS. Têrêsa Thuỳ Tiên
Nhân ngày Thế giới truyền thông 2020, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thành viên Quốc vụ viện truyền thông – đã có vài lời nhắn nhủ với chúng ta, ngài nói: “Nếu hiểu mục đích của truyền thông là để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, gắn kết với nhau hơn, cùng nhau làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn và xây dựng thế giới tốt đẹp hơn, thì phải nói gian dối và bạo lực là loại virus đang tàn phá truyền thông nguy hiểm nhất.”
Qua nhận định trên, ngài đã chỉ rõ hai điều tàn phá truyền thông nguy hiểm nhất là gian dối và bạo lực. Vì chúng phá huỷ hoàn toàn mục đích tốt đẹp ban đầu của truyền thông. Theo thực tế hiện nay, bạn hãy cho biết gian dối và bạo lực hiện đã và đang tàn phá truyền thông như thế nào? Bạn có thể làm gì để ngăn chặn sự tàn phá này?
Ban giám khảo: Tr. Têrêsa Mai Anh, Tr. Giuse Tài Lâm, Tr. Têrêsa Bùi Nhàn, Tr. Martin Hoàng Vũ
Các anh chị HT-GLV đang trao đổi và đặt những câu hỏi phản biện với các bạn Trưởng tập sự
Xem thêm hình ảnh tại: https://bitly.com.vn/jRc52