Giới thiệu các nhóm
Hiệp hội Bảo trợ các Gia đình Công Giáo JMJ được Toà Thánh và Giáo quyền Giáo phận miền Trung Tây triệu tập để cắt cử đến Giáo quyền địa phương nhằm tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng tượng con người chung sống với rô-bốt như gia đình, và những sản phẩm rô-bốt này do một nhà khoa học Công Giáo nổi tiếng thực hiện. Điều này đã gây xôn xao dư luận cho những người Công giáo trên thế giới…
Ý NGHĨA LOGO:
- JMJ: tên viết tắt của các thành viên Gia đình Thánh Gia Nazarét – gương mẫu của các Gia đình Công Giáo được ghi bằng tiếng Anh là: Jesus-Mary-Joseph.
- Chữ M được cách điệu: bức tường thành bảo vệ Tình yêu Gia đình.
- Thánh Giá đặt phía trên trái tim: Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị và thánh hoá Tình yêu của các Gia đình Công Giáo.
“Nhật Kí ROSARIUM
31/07/2010
Trong chuyến đi nghiên cứu khoa học, chiếc trực thăng của chúng tôi vô tình mất lái và đâm thẳng xuống đất liền, thật may mắn, tôi còn sống.
01/08/2010
Tôi tỉnh dậy trong một ngôi nhà xa lạ, xung quanh tôi là những người to lớn và có nước da ngăm đen, khoác lên mình là những bộ trang sức và quần áo sặc sỡ, nhiều màu sắc. Họ nói tiếng ngôn ngữ mà tôi không thể hiểu được. Nhưng xét về những đặc điểm này, tôi nghĩ mình đã rơi xuống vùng đất Bắc Phi.
02/08/2010
Họ dẫn tôi đi tham quan và đến một nơi được gọi là Viện khoa học Công giáo Rosarium*
Ghi chú: Rosarium – lần hạt mân côi là một trong những việc cần làm trong gia đình Công Giáo
07/08/2010
Tôi có cơ hội được gặp Viện Trưởng Xulyum và Viện Phó Lamosa, cả hai đều muốn tôi ở lại đây một thời gian để phụ giúp nghiên cứu về đời sống Công Giáo. Vì không còn lựa chọn nào khác, tôi đành chấp nhận.
02/05/2018
Chúng tôi chia sẻ với nhau về Thiên Chúa, khiến tôi muốn tìm hiểu thật nhiều hơn nữa.
28/06/2019
Tôi càng biết rõ thêm về phong cách làm việc và tinh thần học tập. Mỗi tối vào lúc 19h, chúng tôi cùng họp mặt tại phòng sinh hoạt chung Lamosaroom, họ dạy tôi các kiến thức về đức tin, các kiến thức về gia đình, các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như nút dây, chúng tôi thường hát hò với nhau và làm việc trong niềm vui.
Tôi rất bất ngờ mỗi lần họ giao tiếp mật với nhau bằng morse và semaphore. Ngôn ngữ mà tới bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi.
09/07/2019
Trước khi đi ngủ, chúng tôi thường cầu nguyện với nhau, trước mặt Thiên Chúa và Mẹ Maria, họ dạy tôi biết cách lần chuỗi mân côi để cầu nguyện với Đức Mẹ, lần chuỗi mỗi khi gặp khó khăn, mỗi khi chúng tôi muốn chia sẻ với ai đó, Đức Mẹ sẽ luôn ở bên che chở và an ủi.
10/07/2019
Vừa rồi, họ mới xảy ra những xung đột, những hiểu lầm gây mất đoàn kết nội bộ. Điều mà tôi thấy ngưỡng mộ, cho dù có khó khăn hay thất vọng đến đâu, khi khẩu hiệu “Yibambe” được vang lên, tất cả mọi người cùng hô và sau đó các thành viên đều tha thứ và động viên nhau. “Yibambe” mà tôi được biết, nghĩa là vững vàng và sẵn sàng bước tiếp.
18/07/2019
Chúng tôi nhận được một sứ mệnh từ hiệp hội bảo trợ các gia đình Công Giáo JMJ, mời gọi cùng tìm hiểu nguyên nhân các gia đình càng ngày giảm sút đức tin, mất đi mối tương quan với Thiên Chúa. Chuyến hành trình này mang tên VCK9 – VƯỜN ƯƠM ĐỨC TIN.
19/07/2019
Đã đến lúc chúng tôi lên đường!
…
Tái bút
Thành viên Rosarium”
“Bíp Bíp Bíp… Xin chào xin chào. Chúng tớ là những học viên của viện khoa học Sacramentum đây. Đừng ngại ngùng nữa, nhanh chân lên nào, mình hãy cùng nhau ngược dòng thời gian, quay về quá khứ để tìm hiểu đôi điều thú vị về học viện của chúng tớ nhé!
Sa-cra-men-tum nghe có chút vừa độc đáo pha lẫn xa lạ phải không nào? Nhưng thật ra chẳng lạ lẫm gì đâu, đó chính là “Bí tích”- một điều rất quen thuộc với đời sống Kito Hữu chúng ta.
Nên vào thời điểm ngàn năm thứ ba đang đến, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho Giáo Hội chúng ta một kinh nghiệm thiêng liêng đáng quý về đời sống Bí tích: “Chúng ta không thể chỉ bàn về Bí tích Thánh Thể mà không sống. Điều cần thiết là phải cảm nếm Thánh Thể.” (Thông điệp Ecclesia de Eucharistia).
Từ đó, ngôi trường của chúng tớ được lập nên với mục đích nghiên cứu và tìm hiểu về Bí Tích để Giáo Hội nói chung và các gia đình Công Giáo nói riêng có thể ý thức hơn về gia sản quý báu được chứa đựng qua nhiều thế kỷ. Vì nhờ chính những ơn thiêng của các Bí Tích, đã thánh hóa ban nhiều ơn sủng để mọi người được kết nối yêu thương và chu toàn trách nhiệm đối với nhau.
Cho đến ngày hôm nay, khi thế giới ngày càng hiện đại và phát triển, ai ai cũng đều bị cuốn vào các thiết bị công nghệ mà trở nên thờ ơ lãnh đạm, thậm chí còn khiến đời sống Đức Tin ngày bị mai mọt, các gia đình không còn thắt chặt thân tình với nhau. Ngay sau đó, khi nhận sứ mệnh từ Hiệp hội JMJ đã trao rằng hãy nhanh chân lên đường để tìm hiểu nguyên nhân. Với tinh thần không ngại gian khó, chúng tớ- những học viên Sacramentum đã trang bị những kiến thức và lòng can cảm không chùn bước cùng với niềm tin đặt trọn nơi Chúa để làm làm hành trang cho mình, sẵn sàng và vui bước lên đường tiến về miền Đất hứa tại Giáo Phận miền Trung Tây.
Còn các bạn thì sao, còn nghĩ ngợi gì nữa mà không đặt chiếc Smartphone của mình xuống, cùng với học viện Sacramentum nhanh bước lên đường hoàn thành sứ mệnh thôi!”
“Nơi thủ đô Seoul, dừng chân tại trạm tàu Yongsan, tại buồng điện thoại mã VCK9 nhấn phím #1 để bắt xe, nhớ rằng không chen lấn và nhường ghế cho những người được ưu tiên. Chiếc xe sắc hồng bắt đầu lăn bánh bon bon trên những tuyến đường tràn ngập nắng vàng của thủ đô Seoul hoa lệ. Bên cạnh sự an toàn, chúng tôi ưu tiên chọn phương tiện di chuyển thuận tiện cho việc thưởng thức phong cảnh của đất nước chúng tôi. Sau hơn ba tiếng, chuyến xe đã dừng bánh tại bãi biển Muchangpo tọa lạc phía Tây thành phố Boryeong. Đi dọc theo đường bờ biển về phía Bắc, bạn sẽ nhìn thấy một người phụ nữ trẻ trung với nét mặt hiền hậu và nụ cười tươi tắn – đó là Viện trưởng của chúng tôi. Theo bước chân Viện trưởng, chẳng mấy chốc bạn đã vào tới khuôn viên học viện của chúng tôi.
ORATIO – viện khoa học Công Giáo nghiên cứu về đời sống CẦU NGUYỆN trong gia đình với khẩu hiệu « Ora et lege » (« Hãy cầu nguyện và đọc »). Bên cạnh « sự tối thượng của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu trong đời sống cá nhân và cộng đoàn » của việc cầu nguyện, « lege » tức là đọc và nghiên cứu về đời sống cầu nguyện đã tạo nên linh đạo của học viện chúng tôi. Dưới sự dẫn dắt của Viện trưởng Marie Thaos và Viện phó Josh Tunas, học viện chúng tôi đã luôn không ngừng tiến lên, để đạt được nhiều thành tựu, cống hiến được những công trình trong lĩnh vực nghiên cứu về Cầu Nguyện.
Mang trên mình trách nhiệm cao cả loan truyền các phương thế và lợi ích của việc cầu nguyện, học viện Oratio luôn đề cao sự chiêm niệm vì qua cầu nguyện ta cùng với Chúa trò chuyện và gần gũi hơn. Từng hoạt động, từng cử chỉ, các học viên luôn hướng mọi sự trong việc cầu nguyện.
Với biểu tượng THIÊN THẦN CẦU NGUYỆN, học viện muốn hướng mọi người hãy luôn phụng sự như các thiên thần, ngày đêm cầu nguyện và ca ngợi Thiên Chúa, sống trong niềm tin mãnh liệt vào Chúa, cậy trông nơi tình yêu khoan dung của Ngài, và mến yêu thương như Ngài đã dạy.”
“Viện Khoa học mang tên Scriptura – nghĩa là Kinh Thánh – là một trong những yếu tố không thể thiếu, là nguồn mạch, linh hồn và lương thực nuôi dưỡng mỗi người Kitô hữu, “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” .
(Mt 4,4)
Với sứ mạng đem Chúa đến cho mọi người và mọi nơi, thông qua Kinh Thánh, mỗi nhà khoa học của học viện sẽ trở thành một chứng nhân loan báo Tin Mừng và ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Và qua đó, viện khoa học cũng nhắc nhớ cho các học viên ơn gọi và vai trò của người Kitô hữu, đầu tiên là trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, sống như Ngài sống và yêu như Ngài yêu, sau đó là một tông đồ của Ngài, với sứ mạng “hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20).
SCRIPTURA – VƯƠN XA
Ý nghĩa LOGO: lấy ý tưởng dựa trên Kinh Thánh (Tân Ước).
- Màu sắc: Logo sử dụng hai màu chính là màu xanh dương và màu vàng mang ý nghĩa của niềm vui và sự hy vọng.
- Màu xanh dương là màu chủ đạo của nhóm. Màu xanh dương mang ý nghĩa của sự hy vọng, mong chờ Thiên Chúa sẽ lại đến trong vinh quang. Không chỉ thế, màu xanh còn thể hiện sự hiểu biết và sẻ chia, mỗi người Kitô hữu không chỉ học hỏi về Lời Chúa mà còn có sứ mạng đem Lời Chúa đến cho mọi người và mọi nơi.
- Màu vàng tượng trưng cho niềm vui và niềm tin vào ơn cứu độ của Thiên Chúa. Niềm tin ấy được tạo dựng thông qua Tin Mừng, và nhờ vào Tin Mừng, con người nhận biết Thiên Chúa là Cha, là Đấng Thánh.
- Các biểu tượng
- Quyển sách: tượng trưng cho Kinh Thánh. Sách được mở ra 2 phía đại diện cho Cựu Ước và Tân Ước – là 2 phần của Kinh Thánh.
- Thánh Giá: là biểu tượng tuyệt hảo nhất và không thể thiếu. Bởi chính cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu đã hoàn tất lời hứa cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.
- Bốn chữ trong vòng tròn: là tên tác giả của bốn quyển Tin Mừng, chiếm một địa vị quan trọng hơn cả trong Kinh Thánh
- Các chữ ở vòng tròn ngoài: là 23 sách còn lại trong Tân Ước bao gồm sách công vụ Tông đồ (Act), 14 thư của Thánh Phaolo, các thư chung và sách Khải Huyền (Apc).
Và với chữ SCRIPTURA vòng quanh, logo thể hiện tên nhóm và cũng mang ý nghĩa rằng các thành viên của nhóm, các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học Scriptura sẽ luôn những chứng nhân Tin Mừng của Thiên Chúa. Các thành viên của Scriptura sẽ dùng Kinh Thánh, dùng lời mà Chúa đã dạy để giới thiệu Chúa đến cho mọi người và mọi nơi.”